TPHCM: Vì sao nhiều cây cầu trọng điểm ‘chết lâm sàng’?

Những công trình cầu trọng điểm đều nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, khu vực đông dân cư, nhằm cải thiện việc đi lại, nhưng chỉ được triển khai xây dựng một thời gian rồi để đó nhiều năm qua, vừa lãng phí lại vừa làm khổ người dân.

Thi công để… “đắp chiếu”

Người dân Q9 hết sức bức xúc về công trình cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp. Cây cầu này được xây để thay thế cống đập Rạch Chiếc, nhưng khởi công được khoảng một năm thì để dở dang gần 3 năm nay. Từ ngày triển khai đến nay, rào chắn, lô cốt phục vụ công trình vẫn án ngữ trên đường, cộng thêm vật liệu, bê-tông cốt thép “trơ xương” ngổn ngang, tạo thành nút thắt giao thông khổ sở cho người dân. “Cầu làm dở dang khiến con đường luôn kẹt xe. Có ngày kẹt từ sáng đến tối. Làm ăn kiểu này dân khổ quá!” – một người sống ở đây than thở.

Không riêng gì công trình cầu Nam Lý, ở Q9 còn có những cây cầu quan trọng khác làm mãi nhưng không xong. Đó là cầu Tăng Long (đường Lã Xuân Oai), “chết lâm sàng” cả năm nay. Thuộc dự án giao thông trọng điểm, theo kế hoạch, cây cầu này phải hoàn thành trong năm 2019, tuy nhiên đến thời điểm này đơn vị thi công chỉ mới làm phần tường chắn đầu tuyến và hoàn thành đúc một nhánh cầu.

“Bình thường khu vực này đã kẹt xe do cầu Tăng Long cũ nhỏ hẹp, nay tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có thêm cây cầu xây dở dang. Họ chỉ tiến hành xây dựng được một ít rồi bỏ đó. Chúng tôi đang rất khổ sở vì đống công trình ngổn ngang này” – một người cho biết.

Tiếp đến là cầu Long Đại. Theo kế hoạch, tháng 3-2019, cây cầu bắc qua sông Tắc, nối phường Long Bình với Long Phước này hoàn thành, thế nhưng thực tế công trình đã dừng thi công từ cuối năm 2018 đến nay, bỏ dở dang các nhịp cầu trong sự mong mỏi, chờ đợi của người dân đôi bờ. Được biết, tổng vốn đầu tư cho cả 3 cây cầu này gần 1.700 tỷ đồng. Thế nhưng nhiều năm trôi qua cầu nào cũng bị bỏ dở nửa chừng, nhà thầu dời đi để lại các lô cốt công trường cản trở giao thông không ai dòm ngó.

Ở khu vực huyện Nhà Bè và Q7, cũng có 3 công trình cầu đang dở dang là cầu Long Kiểng, Phước Long và Phước Lộc. Tổng vốn đầu tư lên đến 1.360 tỷ đồng, nhưng đều triển khai thi công ì ạch một thời gian rồi “đắp chiếu” để đó. Đáng chú ý như cầu Long Kiểng, được phê duyệt từ năm 2001, tính đến nay công trình đã bỏ hoang gần 20 năm!

Vướng giải phóng mặt bằng

Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố (Ban quản lý) cho biết, khối lượng thi công dự án cầu Long Kiểng mới chỉ đạt khoảng 53%, hiện đang tạm ngưng do chờ giải phóng mặt bằng (GPMB). Phần GPMB được Ban quản lý ký hợp đồng với Ban bồi thường GPMB huyện Nhà Bè thực hiện. Tháng 7-2020, huyện Nhà Bè đề xuất mua nền đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân còn lại, Ban quản lý báo cáo UBNDTP nhưng đến nay vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo.

Dự án cầu Nam Lý khởi công xây dựng năm 2016, khối lượng thực hiện đạt khoảng 39% thì phải tạm dừng thi công từ tháng 3-2019, cũng để chờ GPMB. Ban quản lý ký hợp đồng với Ban bồi thường GPMB Q2 và Q9 thực hiện. Q2 đã bàn giao xong mặt bằng, nhưng hiện còn vướng ở phía Q9. Ban bồi thường GPMB Q9 đang đặt kế hoạch hoàn thành công tác này vào tháng 12-2020 để tiếp tục tổ chức thi công hoàn thành công trình.

Dự án cầu Tăng Long khởi công vào tháng 12-2017, đến nay khối lượng đạt khoảng 30%, đã tạm ngưng từ tháng 9-2019 để chờ GPMB. Hiện dự án còn vướng 42 hộ dân chưa chịu di dời. Tháng 4-2020, UBND Q9 đã trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xem xét, thẩm định phương án điều chỉnh hệ số giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân này, tuy nhiên hiện vẫn chưa được phê duyệt để thực hiện.

Dở dang cầu Long Kiểng

Theo Ban quản lý, nguyên nhân của việc chậm trễ, ngưng thi công các công trình cầu hiện nay đều do vướng ở khâu công tác GPMT. Không chỉ với các dự án do Ban quản lý phụ trách, mà hầu hết các dự án khác trên địa bàn thành phố cũng lâm vào cảnh tương tự.

“Chúng tôi hiện quản lý hơn 200 dự án giao thông lớn nhỏ trên địa bàn. Trong số 75 dự án đang triển khai thì có đến 28 dự án tạm dừng chờ GPMB, 29 dự án vẫn thi công nhưng còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án bị vướng khâu mặt bằng. Thực tế này đang cho thấy việc áp dụng phương cách vừa thi công vừa giải tỏa mặt bằng như hiện nay là chưa thực sự ổn, vì một khi khâu giải tỏa bị tắc thì công trình phải nằm chờ…” – một lãnh đạo ban nói.

Hồng Châu  – Báo Công An TP.HCM

Theo Công An TP.HCM

Ảnh: Dự án cầu Nam Lý đang “đắp chiếu”

Xem bài viết gốc tại đây:

http://congan.com.vn/giao-thong-24h/vi-sao-nhieu-cay-cau-trong-diem-chet-lam-sang_99931.html