TPHCM và ĐBSCL đang ‘chìm’ dần do khai thác nước ngầm quá mức

Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân chính khiến nhiều nơi ở TPHCM và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lún dần và tốc độ lún ngày càng tăng.

Sáng 18.6, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã chủ trì diễn dàn “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL”.

Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị. Ảnh: Minh Quân

Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Bảy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT) đã nêu thực tế sụt lún đất đang diễn ra ở cả TPHCM và ĐBSCL.

Theo ông Bảy, dự án “Nghiên cứu giai đoạn 1- sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau” do Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) thực hiện năm 2012 theo hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Bộ Ngoại giao Na Uy.

Kết quả nghiên cứu sụt lún bằng ảnh vệ tinh cho thấy trong 20 năm qua, tỉnh Cà Mau đã mất đất hoặc bờ biển bị lùi vào từ 100m đến 1,4km. Đánh giá sơ bộ, sụt lún ở Cà Mau có thể đã lên đến 30 đến 70cm ở nhiều nơi.

Ở “Nghiên cứu giai đoạn 2”, kết quả đo năm 2017 – 2018 cho thấy ở Cà Mau, tốc độ lún trung bình là 3cm/năm.

Còn kết quả nghiên cứu đo đạc sụt lún đất do Bộ TNMT thực hiện trong giai đoạn 2014, 2015 và 2017 với 339 mốc đo ở TPHCM và ĐBSCL, ông Bảy cho biết: Kết quả đo so với giá trị cao độ đo năm 2005 cho thấy 306 mốc lún, 33 mốc không lún hoặc nâng.

Trong số này, lún nặng nhất là ở phường An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM), lên đến 81,4 cm và phường 1 (thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là 62,2 cm.

Căn cứ vào mức độ đo được, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã phân vùng sơ bộ, trong đó vùng lún trên 10 cm có diện tích khoảng 3.400 km2 ở 7 tỉnh gồm Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và 2 thành phố là TPHCM và Cần Thơ.

Theo ông Hoàng Văn Bảy, nghiên cứu của đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu tương quan giữa khai thác nước dưới đất, sụt lún đất và nước biển dâng ở Đồng bằng sông Mê Kông Việt Nam, dựa trên dữ liệu quan trắc mực nước theo thời gian từ 79 giếng (tại 18 điểm), kết quả nghiên cứu cho rằng khai thác nước dưới đất quá mức là một nguyên nhân gây sụt lún đất.

“Việc suy giảm mực nước quá mức với tốc độ 0,3m/năm và sự nén ép của các lớp trầm tích gây ra sụt lún đất do khai thác nước dưới đất có tốc độ trung bình là 1,6cm/năm” – ông Bảy – nói.

Vỉa hè kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TPHCM) bị sụp lún. Ảnh: Minh Quân

Thống kê ở ĐBSCL và TPHCM có khoảng 9.650 giếng cấp nước tập trung có quy mô trên 10 m3/ngày phục vụ sinh hoạt và sản xuất với tổng lưu lượng khai thác gần 2 triệu m3/ngày. Trong đó, TPHCM có đến 1.920 giếng, với lưu lượng khai thác 519.000 m3/ngày.

Ngoài ra, khoảng 990.000 giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày.

Để khắc phục, ông Hoàng Văn Bảy đề xuất điều tra, khoanh vùng để hạn chế khai thác nước ngầm ở những khu vực đang khai thác quá mức. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát diễn biến sụt lún đất, nhất là tại một số khu vực có mức độ lún cao.

Ngoài ra, ở các khu đô thị và khu dân cư tập trung cũng nên áp dụng giải pháp lưu giữ nước mưa để giảm tình trạng ngập úng và bổ sung mực nước ngầm.

M.Quân – C.Hùng – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Một đoạn vỉa hè kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè 9 (TPHCM) bị sụp lún. Ảnh: Minh Quân

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/moi-truong/tphcm-va-dbscl-dang-chim-dan-do-khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc-739660.ldo