Tp. Pleiku: Bệnh viện gây ô nhiễm môi trường!

Bệnh viện Tp.Pleiku đã và đang là điểm khám chữa bệnh cho rất nhiều người dân, tuy nhiên, chính bệnh viện lại gây ô nhiễm môi trường làm cư dân bức xúc.

Nhà vệ sinh bẩn là giám đốc bẩn

Chúng tôi lấy lại câu nói của bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ y tế –  để miêu tả về tình trạng xuống cấp trầm trọng của bệnh viện thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, đặc biệt là nhà vệ sinh dùng cho bệnh nhân quá dơ bẩn mà trong nhiều năm qua không được cải thiện.

Chất lượng nhà vệ sinh nơi đây luôn là nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân. Sự xuống cấp của nhà vệ sinh không những gây khó chịu cho người sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan bệnh ngay trong chính bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của ngành y tế, tuy nhiên có lẽ ông giám đốc không nhìn thấy bởi ông chẳng xuống nơi đó bao giờ!

Theo quan sát của PV, mỗi dãy chỉ có duy nhất một phòng vệ sinh chung nên mọi người phải xếp hàng chờ nhau. Nhà vệ sinh không được đảm bảo, nước chảy lênh láng, trơn trượt, không có giấy vệ sinh và bốc mùi, đặc biệt là khu vực tầng 1. Có một số phòng bị hư hỏng đã lâu nhưng chưa được sửa chữa. Ngoài ra, các thùng chứa rác trong bệnh viện không ghi rõ phân loại rác, dẫn tới việc rác bị quăng bỏ lung tung. Rác thải còn xuất hiện tràn lan trên các mái nhà, rãnh nước nhưng vẫn không được dọn dẹp. Điều này vi phạm nghiêm trọng các thông tư về quy định phân loại rác thải của Bộ y tế.

Nhà vệ sinh xuống cấp, chưa được sửa chữa, có phòng bị khóa lại.

Bên cạnh đó, trong công tác khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện buông lỏng quản lý, không chú trọng đến tiêu chí phục vụ. Y tá, điều dưỡng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Nhiều bệnh nhân tỏ ra không hài lòng vì các ngày cuối tuần đều phải tự xuống khu vực cấp thuốc để nhận thuốc. Chị Siu Hphương (26 tuổi, cư trú tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) cho biết: “Nhiều lúc tới giờ lấy thuốc nhưng không có người nhà bên cạnh, mình thì đau nhức hết người nhưng vẫn phải tự xuống tầng 2 để nhận thuốc, rất bất tiện. Mình mong những ngày cuối tuần, bệnh viện vẫn đi phát thuốc cho bệnh nhân như các ngày thường”.

Nước thải của bệnh viện gây ô nhiễm môi trường

Quanh khu vực bệnh viện, đặc biệt là người dân sống tại đường Tăng Bạt Hổ tỏ ra rất bức xúc vì tình trạng nước bẩn từ bệnh viện chảy xuống khu vực trước nhà dân. Ông Nguyễn Hữu Cầu (70 tuổi, cư trú tại số nhà 129 Tăng Bạt Hổ, Tp. Pleiku) cho biết: Chúng tôi ai nấy đều cảm thấy khó chịu vì nước thải của bệnh viện. Thử hỏi bao nhiêu năm như vậy, không biết nước thải đổ đi đâu cho hết. Nhiều lúc trời mưa, nước nhiều nên bị xì và chảy xuống khu vực trước cửa nhà, không những thế còn kéo theo cả rác và chất bẩn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước đây, tổ dân phố cũng đã ý kiến lên bệnh viện, nhưng sau nhiều lần hứa hẹn vẫn không sửa chữa thì chúng tôi cũng kệ luôn. Rất mong thời gian tới bệnh viện sẽ có hướng khắc phục để người dân đỡ khổ”.

Khắp nơi đều là rác do người dân thiếu ý thức.

Trước đây, bệnh viện vẫn còn xử lý rác thải tại chỗ, khói bụi và mùi hôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Môi trường & Đô thị đã có bài viết phản ánh, sau đó bệnh viện đã tiến hành ký kết hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Hậu Sanh để vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế theo quy định.

Lãnh đạo bệnh viện nói gì?

Chúng tôi được biết, bệnh viện trước đây được xây dựng với 50 giường bệnh. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế về khám và điều trị bệnh của người dân trong khu vực ngày càng tăng. Trong giai đoạn cao điểm số lượng bệnh nhân lên tới con số 250 người. Điều này dẫn tới hiện trạng tổng số giường bệnh của bệnh viện đến nay đã tăng lên 150 giường. Cơ sở vật chất không được tăng thêm nên không còn cách nào khác, bệnh viện phải sắp xếp nhiều trường hợp 2 bệnh nhân nằm chung giường. Ngoài ra, số lượng y bác sĩ theo biên chế là 150 người, so với tỉ lệ số y bác sĩ/ người bệnh thì thiếu gần 100 người, không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trong khu vực.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tự Tín, Giám đốc Trung tâm y tế Tp.Pleiku cho biết, cấp trên cũng đã nhiều lần lắng nghe và tiếp thu phản ánh của người dân, nhưng phía bệnh viện cũng mong người dân hiểu, để sửa chữa hay thay đổi không phải chuyện có thể thực hiện ngày một ngày hai. Nếu để nói trách nhiệm chỉ ở phía bệnh viện thì không đúng, trong thực trạng quá tải như vậy, không thể tránh được tình trạng các nhà vệ sinh bị xuống cấp hay ô nhiễm rác thải. Thêm nữa là ý thức của nhiều người dân không tốt, mặc dù bộ phận hộ lý đã làm hết sức nhưng vẫn không giải quyết được dứt điểm.

Rác thải chất đống chưa được đem đi xử lý.

Bên cạnh đó, ông Tín còn cho biết, bệnh viện cũng đã có ý kiến và trình văn bản lên Ủy ban về việc di dời, xây dựng lại bệnh viện. Đến nay, chủ trương đã được phê duyệt và đưa vào trung hạn 500 tỷ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chưa biết khi nào mới tìm được đất để xây và liệu có tiến hành xây dựng được trong nhiệm kì 2021-2025 hay không. Trong khi số lượng bệnh nhân vượt ngưỡng so với quy đinh thì định mức chi cho phép mỗi năm chỉ vỏn vẹn 10 tỷ, đến nay bệnh viện đã chi hơn 12 tỷ, vượt định mức 2 tỷ và đang đợi giải quyết. Ông hy vọng sẽ sớm có quyết định chính thức về việc di dời bệnh viện để có thể thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho người dân. Ông cũng nhấn mạnh “bệnh viện đã và đang rất tôn trọng người dân”, qua đó mong mỏi người dân hiểu và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo hơn.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những lời bộc bạch của ông giám đốc chỉ là 1 chiều và phiến diện. Bởi lẽ, việc xử lý môi trường tại chỗ và phân loại rác thải y tế không tốn quá nhiều ngân sách, trong đó phần chủ quan của bệnh viện xuất phát từ ý thức của người lãnh đạo, chưa nói đến việc tuân thủ các quy định của Bộ y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường. Trong thời điểm bệnh viện chưa được xây mới, việc xử lý này hoàn toàn có thể khắc phục nhanh, vừa đảm bảo nhu cầu vệ sinh tối thiểu cho bệnh nhân, vừa không gây ô nhiễm cho cư dân xung quanh.

Hoàng Mai

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)