TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị gỡ khó cho 2 dự án chung cư cũ ở quận 5

Sau 5 năm chưa cải tạo được vì vướng nhiều thủ tục pháp lý, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định bàn giao UBND quận 5 báo cáo về 2 dự án xây mới chung cư cũ tại số 926 Võ Văn Kiệt và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo, để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện.

Năm 2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương giao Công ty TNHH Bất động sản Tam Đức (Công ty Tam Đức) làm chủ đầu tư dự án chung cư 926 Võ Văn Kiệt và cao ốc 727 Trần Hưng Đạo, quận 5 (đây là 2 chung cư cũ, nguy hiểm cấp độ D, phải xây mới).

Lúc đó, Sở Xây dựng TP được giao nghiên cứu nhu cầu sử dụng quỹ nhà tái định cư (TĐC) tại quận 5 và các quận lân cận, từ đó đề xuất việc bố trí 30% căn hộ của dự án này (96 căn hộ) để phục vụ tái định cư và 70% quỹ nhà còn lại của dự án (224 căn hộ) để kinh doanh thu hồi vốn. Song đến nay do vướng nhiều thủ tục pháp lý thuộc trách nhiệm giải quyết của các bộ ngành nên cả hai dự án này vẫn chưa được triển khai, gây lãng phí quỹ đất “vàng” của TP.

Để sớm tháo gỡ tình hình hiện tại, mới đây UBND TP đã giao UBND quận 5 báo cáo toàn diện quá trình triển khai thực hiện 2 dự án nói trên của Công ty Tam Đức. Từ đó, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các dự án này.

Tuy nhiên thực trạng của Công ty Tam Đức cũng là tình hình chung của hầu hết các chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ ở TP Hồ Chí Minh hiện nay.

Với mục tiêu đến năm 2020 giải quyết 50% trong số 474 chung cư cũ, UBND TP đã ủy quyền cho các quận cải tạo, sửa chữa chung cư cũ, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại khó có thể đạt được, bởi trong 10 năm qua, TP mới chỉ tháo dỡ được 32 chung cư cũ và việc cải tạo diễn ra rất chậm.

Báo cáo của Sở xây dựng TP cho thấy, TP hiện còn 10 chung cư hư hỏng cấp D (cấp độ nguy hiểm) với hàng trăm hộ dân cư ngụ. Vì sao người dân cứ mãi sống trong các chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng mà không chịu di dời?

Đa phần người dân không chịu di dời vì sợ không được TĐC tại chỗ. Ông Nguyễn Văn M (50 tuổi, chung cư Bùi Viện) cho biết từ quý 3/2018 quận đã có kế hoạch xây mới chung cư, nhưng đến nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư. Nếu quận triển khai và có kế hoạch cụ thể, công khai, đặc biệt về chính sách TĐC, giá bán suất TĐC, thì nhiều gia đình sẵn sàng di dời. Trong khi đó, ở các dự án đã có chủ trương đầu tư thì quá trình thực hiện cũng gặp nhiều vướng mắc.

Một trong vướng mắc quan trọng nhất là liên quan đến thỏa thuận bồi thường, TĐC giữa chủ dự án và người dân. Không ít người dân yêu cầu bồi thường cao hơn mức chủ đầu tư chấp nhận. Trong khi đó, hầu hết chung cư xây dựng trước năm 1975 đều ở khu vực trung tâm, được kiểm soát chặt về hệ số sử dụng đất và mức trần giới hạn về dân số. Để điều chỉnh quy mô dự án, chủ đầu tư phải mất thời gian, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Rõ ràng, để đẩy nhanh cải tạo, xây mới các chung cư cũ, nát trên địa bàn TP, việc tiên quyết đề ra là các địa phương phải vượt ra khỏi sự ràng buộc của từng dự án, rộng hơn nữa là thoát ra khỏi địa giới hành chính của các quận, huyện để liên kết, tạo quỹ đất đủ lớn nhằm có thể thu hút doanh nghiệp tham gia. Muốn vậy, phải đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích: Người dân có nơi ở mới, doanh nghiệp có lợi nhuận, Nhà nước có được công trình mới.

Tiểu Thúy – Báo KTĐT

Theo Kinh tế & Đô thị

Ảnh: Việc cải tạo chung cư cũ tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Xem bài viết gốc tại đây:

http://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-kien-nghi-go-kho-cho-hai-du-an-chung-cu-cu-o-quan-5-343499.html