TP.HCM: Tăng cường công tác quản lý và xử lý nước thải

(Phapluatmoitruong.vn) – Vấn đề quản lý và xử lý nước thải tại TP.HCM đang được nhiều người dân quan tâm. Đặc biệt là việc xây dựng các dự án nước thải có thể gây ảnh hưởng nếu không có những biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ngày 7/4, Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố (HTV) và Sở Thông tin Truyền thông thực hiện chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời với chủ đề: “Quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt”.

Đặt câu hỏi với các đại biểu, cử tri Nguyễn Văn Hoàng (TP. Thủ Đức) cho biết, hiện TP.HCM có nhiều nhà máy, trạm xử lý nước thải đang hoạt động. Tuy nhiên, người dân lo ngại sẽ phát sinh mùi hôi, tiếng ồn phát tán ra môi trường bên ngoài, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hàng ngày của họ. Cư dân tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, cũng đã có ý kiến phản đối việc xây dựng trạm xử lý nước thải ở khu vực này, do lo ngại về ô nhiễm môi trường.

“Những dự án xử lý nước này có thật sự cấp thiết để xây dựng hay không? Nếu cấp thiết thì biện pháp khắc phục để đảm bảo môi trường sống của người dân là gì?” – ông Hoàng nêu rõ.

Trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Văn Hoàng, ông Nguyễn Viết Vũ – Trưởng phòng tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Hiện nay, ngành Tài nguyên – Môi trường và Bộ Xây dựng đã ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn rất cụ thể về việc xây dựng trạm, hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ngành đã có những tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết về vị trí đặt trạm như trạm phải được đặt cuối hướng gió hay cuối dòng chảy để đảm bảo nước thải phải được thu gom, xử lý toàn bộ, hạn chế phát sinh mùi hôi ra ngoài. Tiêu chuẩn cũng quy định chi tiết là từng công trình bên trong hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu, đảm bảo diện tích cây xanh cách ly… Chúng ta tuân thủ tiêu chuẩn khi xây dựng hệ thống xử lý nước thải và tuân thủ việc vận hành xử lý nước thải thì sẽ đảm bảo được sức khỏe người dân” – ông Vũ chia sẻ.

Thông tin liên quan dự án trạm xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát trên địa bàn quận 12, ông Nguyễn Minh Chánh – Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, dự án này rất cần thiết và được xây dựng đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, khi vận hành sẽ không ảnh hưởng đến môi trường và người dân.

Thời gian qua, quận cũng đã gặp gỡ, tiếp xúc với người dân để thông tin về dự án. Khi xây dựng dự án sẽ đảm bảo đánh giá tác động môi trường, khi vận hành thì cũng sẽ có hệ thống quan trắc để đảm bảo môi trường cho người dân. Thực tế, quận 12 đã đầu tư nhiều dự án xử lý nước thải và đi vào hoạt động hơn 10 năm nhưng không ảnh hưởng gì đến môi trường sống của người dân xung quanh” – ông Chánh khẳng định.

Thông qua chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Vân – Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP tăng cường xã hội hóa thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế về các chỉ tiêu cấp thoát nước, chống ngập, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị của TP. Đồng thời thực hiện các chỉ tiêu trong chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 nhằm cải thiện chất lượng sống cho người dân, bảo vệ môi trường sống.

Sở Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển mạng lưới thoát nước, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải. Đồng thời, Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc cập nhật đồng bộ hóa quy hoạch về cấp thoát nước đối với điều chỉnh quy hoạch chung của TP, làm cơ sở để triển khai các dự án trên địa bàn” – bà Vân đề nghị.

UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cũng được giao rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch các nhà máy xử lý nước thải nhưng đang sử dụng với mục đích khác để thực hiện việc thu hồi, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo đúng quy hoạch.

Được biết, TP.HCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động ba nhà máy xử lý nước thải tập trung và bốn trạm xử lý nước thải của khu dân cư, tổng công suất thiết kế là 644.200 m3/ngày, khả năng xử lý đạt khoảng 40,8% theo nhu cầu.

Hiện nay, TP cũng đang tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày. Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành năm 2025 và nâng khả năng xử lý đạt khoảng 71,3% theo nhu cầu.

Toàn cảnh chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời với chủ đề: “Quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt”.

Bên cạnh đó, TP cũng đưa vào quy hoạch đầu tư 7 nhà máy xử lý nước thải đô thị theo hình thức PPP bao gồm: Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây thành phố tại Phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân với tổng mức đầu tư 10.360 tỷ đồng;

Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát giai đoạn 2 (lưu vực Tham Lương – Bến Cát) tại phường An Phú Đông, quận 12, với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải, trạm bơm chuyển tiếp);

Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam Sài Gòn tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng (chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải, trạm bơm chuyển tiếp);

Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 tại phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức với tổng mức đầu tư 6.010 tỷ đồng;

Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 tại phường Tăng Nhơn Phú, TP. Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.860 tỷ đồng;

Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Rạch Cầu Dừa tại huyện Hóc Môn với tổng mức đầu tư 4.420 tỷ đồng

Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Bắc thành phố tại Cạnh kênh Xáng và đường kênh 15, huyện Củ Chi với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm hệ thống thu gom, chuyển tải nước thải, trạm bơm chuyển tiếp).

Phan Hải – Trường Việt

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát giai đoạn 2 (lưu vực Tham Lương – Bến Cát) tại phường An Phú Đông, quận 12.