(Phapluatmoitruong.vn) – UBND xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh “đá bóng trách nhiệm” về việc các DN vi phạm, xâm lấn hành lang bảo vệ sông.
Đá bóng trách nhiệm
Ngày 18/1/2022, ông Võ Thành Công – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, có văn bản trả lời Môi trường và Đô thị điện tử về tình hình hoạt động của các cơ sở, công ty, doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường sông tại đường Mai Bá Hương.
Theo ông Công, tại tuyến đường Mai Bá Hương có 15 cơ sở, công ty, DN đang hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng. Hiện có 13 DN được Sở Kế hoạch Đầu tư Tp.HCM và 02 cơ sở được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các DN trên có gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh 6 tháng một lần.
“Đối với các cơ sở, công ty, DN đang hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng dọc trục đường Mai Bá Hương có thời gian hình thành, hoạt động trước khi Thành phố ban hành quyết định số 150/QĐ-UB ngày 9/6/2004 về quy định quản lý, hành lang trên bờ sông, kênh rạch thuộc địa bàn Tp.HCM. Các cơ sở trên đều được Sở GTVT Tp.HCM cấp phép bến thủy nội địa”, ông Công thông tin thêm.
Ngoài ra, UBND xã Lê Minh Xuân cũng cho biết, hiện có 4/15 DN trên nằm trong diện giải tỏa trắng của Khu đô thị Sinh Việt.
Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông.
Buông lỏng kiểm tra, quản lý?
Điều 18, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, nêu rõ: “Hạn chế tối đa việc lấn sông, thu hẹp không gian chứa, thoát lũ của sông. Trường hợp đặc biệt phải lấn sông để thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông hoặc các yêu cầu khác về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, thì phải gắn với các yêu cầu về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông và phần diện tích sông bị lấn chỉ sử dụng cho các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.
15 DN kinh doanh vật liệu xây dựng tại tuyến đường Mai Bá Hương không chỉ lấn sông, thu hẹp không gian chứa của sông mà còn đào sâu đất tại khu vực hành lang sông làm bãi chứa cát, đá…, nhưng UBND xã Lê Minh Xuân lại cho rằng các DN này hoạt động trước khi Thành phố ban hành quyết định số 150/QĐ-UB. Việc viện dẫn quy định trên cũng cho thấy địa phương này đang né tránh trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm pháp luật.
Cụ thể, tại Điều 5, Nghị định 150/QĐ-UB về quy định hành lang trên bờ sông, kênh, rạch ghi rõ, đối với chiều rộng phạm vi hành lang (m) tối thiểu cho kênh, rạch khi chưa được phân cấp kỹ thuật là 10m. Từ cấp kỹ thuật I – VI của sông, kênh, rạch chiều rộng phạm vi hành lang an toàn từ 20 – 50m mỗi bên.
Ngoài ra, việc Sở GTVT Tp.HCM cấp phép bến thủy nội địa cho 15 DN trong phạm vi ngắn tại tuyến sông trên cũng cần được xem xét, kiểm tra có đúng quy định, cũng như các cơ quan chức năng huyện Bình Chánh có kiểm tra việc báo cáo đánh giá tác động môi trường của 15 DN này hay không.
Danh sách các DN do UBND xã Lê Minh Xuân cung cấp.
Hệ lụy của việc vi phạm hành lang an toàn sông, khai thác lòng sông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông đường thủy, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong khu vực, gia tăng nguy cơ sạt lở khi vào mùa mưa bão. Do vậy, chúng tôi đề nghị UBND huyện Bình Chánh và các cơ quan chức năng Tp.HCM cần sớm vào cuộc kiểm tra các DN vi phạm, đồng thời làm rõ, xử lý các cán bộ bao che (nếu có).
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Đỗ Thuận
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Các DN không chỉ lấn sông, thu hẹp không gian chứa của sông mà còn đào sâu đất tại khu vực hành lang sông làm bãi chứa cát, đá…
Xem thêm tại đây: Tp.HCM: Nhiều vi phạm trong lĩnh vực giao thông đô thị