Các chương trình giảm ngập của một số quận trên địa bàn TP.HCM đề ra trong năm nay kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ngập nước khi mưa lớn kết hợp triều cường.
Sau những cơn mưa lớn gần đây, nhiều tuyến đường ở TP.HCM đã tái diễn tình trạng ngập nước. Do đó, hiện nay các quận có những điểm ngập nặng đang gấp rút triển khai biện pháp giảm ngập, nhất là khi mùa triều cường đã tới.
Để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi xảy ra ngập lụt do mưa lớn, triều cường kết hợp xả lũ, UBND TP đã ban hành Quyết định số 811 về phương án chủ động phòng chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn TP. Theo đó, TP yêu cầu tất cả các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). |
Ngập nặng ở nhiều nơi trên địa bàn TP
Ghi nhận của PV từ những trận mưa lớn kéo dài vừa qua, tình trạng ngập nặng xuất hiện ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Điển hình như đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Phạm Văn Chiêu (đoạn gần đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp), Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)… Có khu vực ngập sâu hơn nửa mét khiến nhiều phương tiện chết máy, người đi đường gặp khó khăn.
Riêng phía quận Bình Tân, khi mưa lớn kết hợp triều cường, trên địa bàn quận xảy ra ngập tại 12 điểm, lưu vực.
Ngập nặng nhất là lưu vực kênh Liên Xã – rạch Ông Búp, An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Kinh Dương Vương… độ ngập sâu trung bình 0,3-0,8 m. Ngập nhẹ, cục bộ tại khoảng 20 điểm, ảnh hưởng đến tình hình giao thông, kẹt xe khu vực.
UBND quận Bình Tân cho biết có nhiều nguyên nhân gây ngập trên địa bàn quận mà chủ yếu là hiện trạng cao độ địa hình một số phường thấp hơn mực nước đỉnh triều cường.
Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với nhiều cơn mưa có lưu lượng lớn trong thời gian ngắn; triều cường tăng cao qua các năm. Do đó, khi mưa kết hợp triều cường gây ngập cục bộ các tuyến đường, hẻm.
Bên cạnh đó, UBND quận này cho hay công tác giảm ngập nước trên địa bàn quận vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, công tác này còn phụ thuộc rất nhiều vào các dự án chống ngập như: dự án cải thiện ô nhiễm môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, dự án kiểm soát triều cống điều tiết kết hợp âu thuyền tại cửa rạch Nước Lên…
Hiện hai dự án nêu trên vẫn chưa tiếp tục triển khai do chưa xác định được nguồn vốn thực hiện. Ngoài ra, một số chủ đầu tư dự án nhà ở trên địa bàn quận chậm lập thủ tục bàn giao hạ tầng kỹ thuật. Các chủ đầu tư này cũng chưa quan tâm thực hiện nạo vét hệ thống cống thoát nước theo định kỳ nên việc giảm ngập tại khu vực chưa có hiệu quả cao.
UBND quận Gò Vấp cũng cho biết quận đã cơ bản giải quyết được điểm ngập trên các tuyến đường, hẻm do quận quản lý. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư tại các tuyến thoát nước chính do TP quản lý như đường Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Thống Nhất và Lê Văn Thọ – Nguyễn Văn Khối vẫn chưa hoàn thành. Do đó, việc tiêu thoát nước trên địa bàn quận chưa được phát huy đồng bộ, dẫn đến vẫn xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Quyết tâm giảm nhiều điểm ngập
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho biết kế hoạch năm 2021 Phòng Quản lý đô thị quận sẽ phối hợp với UBND 10 phường quyết tâm giảm ngập nước tại hai điểm, lưu vực ngập hiện hữu là kênh Liên Xã và rạch Ông Búp.
Quận Bình Tân cũng đề xuất sửa chữa các van ngăn triều hiện hữu (van ngăn triều trên đường Tập Đoàn 6B, van ngăn triều tại cống Bà Mua, van ngăn triều kênh Hãng Giấy…) nếu bị hư hỏng.
Đối với hệ thống cống, hố ga thoát nước thuộc các dự án 1/500, quận Bình Tân đề nghị các chủ đầu tư có kế hoạch nạo vét chi tiết theo định kỳ nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước, không để phát sinh các điểm ngập mới.
Đối với đường, hẻm, quận đề xuất thực hiện dặm vá, sửa chữa các miệng thu nước, lưới chắn rác tại các hầm ga trên địa bàn quận nhằm đảm bảo chống ngập nước và không để phát sinh các điểm ngập mới.
Để giảm ngập do mưa kết hợp triều cường trên địa bàn quận Gò Vấp, đại diện UBND quận này cho biết quận đang thực hiện đầu tư xây dựng mới bốn dự án chống ngập và cải tạo hệ thống thoát nước đã xuống cấp. Cụ thể, dự án chống ngập hẻm khu phố 4 và 6, dự án chống ngập hẻm 796 đường Lê Đức Thọ và các hẻm nhánh (thuộc phường 15); dự án nâng cấp hệ thống thoát nước hẻm 465 đường Nguyễn Văn Công (phường 3) và hẻm khu phố 2 và 9 (phường 8).
“Quận đã kiến nghị UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tiêu thoát nước tại các tuyến đường do TP quản lý như Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Thống Nhất và Lê Văn Thọ – Nguyễn Văn Khối. Đồng thời, đề xuất TP chấp thuận chủ trương đầu tư cải tạo năm nhánh rạch gồm: Bà Miêng, Cầu Cụt, Chín Xiểng, Ông Bầu và nhánh 3 rạch Ông Tổng” – vị đại diện này cho hay.
Thu nước vào các hồ điều hòa để giảm ngập PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng ngoài ngập do triều thì TP.HCM còn ngập nhiều do mưa. Trong khi đó, các giải pháp để giảm ngập do mưa của TP hiện nay còn hạn chế. Theo ông Quân, một trong những khó khăn của TP hiện nay là do chúng ta bê tông hóa khá nhiều nên không có chỗ giữ nước. Nếu không giữ được nước thì nước sẽ vào cống nhưng cống lại rất nhỏ so với yêu cầu thoát nước. TP đã có những dự án liên quan đến hệ thống thoát nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện mưa nhiều như hiện nay. Hiện nay TP cũng đã có triển khai một số dự án các hồ điều hòa. Chúng ta có dự án nhưng cũng cần phải tính toán làm sao để thu nước vào các hồ điều hòa một cách hiệu quả. “Theo tôi, ngoài những hồ lớn, các cụm dân cư có thể tính toán để có thêm những hồ nhỏ để chứa nước và gia tăng thêm mảng xanh. Điển hình một dự án bất động sản có thể đưa các chức năng chống ngập vào, nếu chúng ta có thể phối hợp với những chủ đầu tư để phối hợp cùng thực hiện tăng cường thêm mảng để tăng cường chống ngập…” – PGS-TS Nguyễn Hồng Quân chia sẻ. |
Nguyễn Châu – Linh Hương – Báo PLO.VN
Theo PLO.VN
Ảnh: Mưa lớn gây ngập ở đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh vào ngày 15-7. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Xem bài viết gốc tại đây:
https://plo.vn/do-thi/tphcm-nhieu-quan-trien-khai-cac-du-an-giam-ngap-1005304.html