TP.HCM ngày càng thiếu cây xanh

Theo nhiều chuyên gia, việc đốn hạ, di dời cây xanh để triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng đã làm tăng mật độ bê tông hóa, thu hẹp lá phổi xanh có chức năng điều hòa khí hậu khiến TPHCM ngày càng ngột ngạt, mùa khô nắng nóng gay gắt, trong khi mùa mưa thì ngập úng gây đảo lộn cuộc sống người dân.

Đụng là chặt

Những ngày đầu tháng 5/2024, hàng chục cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) bị đốn hạ để phục vụ thi công dự án mở rộng đường kết nối nhà ga T3 – Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất. Theo ghi nhận của PV, có khoảng 90 cây xanh thuộc diện phải đốn hạ, di dời. Trong số đó, nhiều cây lâu năm, có kích thước lớn và phủ bóng mát.

Ông Mai Văn Hiếu (ngụ phường 13, quận Tân Bình) cho biết đường Hoàng Hoa Thám khá chật hẹp, thường bị ùn ứ vào giờ cao điểm ở khu vực điểm giao với cầu vượt Cộng Hòa. Việc mở rộng đường, giảm kẹt xe được nhiều người dân đồng tình. Tuy nhiên, chứng kiến hàng cây xanh lần lượt bị đốn hạ, nhiều người vô cùng tiếc nuối. “Khi hàng cây đã trơ gốc, nắng nóng gay gắt hơn mới thấy được giá trị của cây xanh. Chúng tôi hy vọng công trình sẽ sớm hoàn thành, cây xanh được trồng lại để tạo bóng mát như trước đây” – ông Hiếu chia sẻ.

Trước đó, nhiều cây xanh trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cũng bị đốn hạ nhường chỗ cho dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (kết nối nhà ga T3 – Cảng HKQT Tân Sơn Nhất). Ngoài ra, một phần đất của công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng đã được sử dụng để thực hiện công trình này. Hơn 300 cây xanh trong công viên đã bị đốn hạ hoặc di dời.

Ngoài những dự án trên, thời gian qua, TPHCM có nhiều dự án phải đốn hạ, di dời cây xanh như nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) có gần 1.100 cây bị di dời, hơn 200 cây phải đốn hạ; dự án tăng cường kết nối tuyến metro số 1 (148 cây được bứng, dời qua nơi khác, 37 cây bị đốn hạ); dự án hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị mặt bằng cho tuyến metro số 2 (404 cây xanh bị đốn hạ, 49 cây được di dời).

UBND TPHCM vừa giao các địa phương rà soát, thu hồi các khu đất công được quy hoạch là đất công viên đang cho thuê để xây dựng công viên. Với các khu đất đang sử dụng không đúng mục đích, không còn thời hạn cho thuê, các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng phân loại đánh giá nhu cầu và sự cần thiết để thực hiện các dự án xây dựng công viên.

Nhiều cây xanh bị đốn hạ trong bối cảnh thành phố ngày càng ngột ngạt không chỉ làm người dân bức xúc mà còn khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, với những dự án phải đốn nhiều cây như tuyến metro số 2, chủ đầu tư cần có những giải pháp thay thế những cây bị đốn hạ, như: Làm các giàn dây leo để tạo mảng xanh hoặc các công trình xanh, mở công viên cây xanh cục bộ trong khu vực có cây bị đốn… “Cực chẳng đã mới phải chặt cây để làm công trình. Các đơn vị phải có trách nhiệm phủ xanh trở lại” – ông Võ Kim Cương nói.

Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia đô thị) lo ngại: Tỷ lệ mảng xanh ở TPHCM ngày càng giảm để làm các dự án hạ tầng. Hiện nay, diện tích không gian xanh của thành phố chỉ đạt 0,55m2/người, thấp hơn 20 lần so với tiêu chí tối thiểu của UNESCO (10m2/người).

Theo ông Sơn, cây xanh có vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu cho đô thị nhất là trong bối cảnh nắng nóng gay gắt như thời gian vừa qua. Không gian xanh còn là bộ lọc không khí, giảm tiếng ồn và tạo nên những luồng gió mát trong đô thị do có sự chênh lệch về nhiệt độ.

“Cây xanh của thành phố ít quá, nếu chặt rồi thì khi trồng lại cũng không kịp lớn. Do đó, TPHCM cần điều chỉnh lại. Khi một dự án phải chặt cây thì nhanh chóng triển khai và trồng lại. Chúng ta phải trồng nhiều gấp đôi, gấp ba mới tương xứng vì chặt cây lớn và trồng lại cây nhỏ” – ông Sơn khuyến cáo.

Nhanh chóng phục hồi lá phổi xanh

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông), dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dài khoảng 800m, từ chân cầu vượt giao với đường Cộng Hòa đến giáp sân bay Tân Sơn Nhất. Số cây bị đốn hạ vì không thể bứng dưỡng. Sau khi hoàn thành dự án, nơi đây sẽ được trồng lại những cây khác nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.

Chủ đầu tư dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa cũng cho biết, sau khi công trình hoàn thành, nhà thầu sẽ hoàn trả gần 700m2 công viên để trồng lại cây xanh. Tại dự án Metro số 2, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (chủ đầu tư) cũng cho biết: Việc tái bố trí lại cây xanh, mảng xanh sẽ được thực hiện trong dự án “Giao thông đô thị bền vững cho tuyến Metro số 2 TPHCM”. Phương án trồng mới sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất thi công nhà ga. Trồng mới cây xanh trong giai đoạn sau bảo đảm tổng diện tích tán cây trồng mới lớn hơn hoặc bằng so với trước kia.

Ngày 7/5, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 – 2025. Trong đó, thành phố đặt ra chỉ tiêu phát triển tối thiểu 68ha công viên công cộng và trồng mới, cải tạo 12.000 cây xanh. Ngoài ra, UBND TPHCM yêu cầu các địa phương còn nhiều quỹ đất như thành phố Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… đẩy mạnh phát triển công viên cây xanh. Các địa phương tự đề xuất chỉ tiêu đầu tư. Diện tích tối thiểu phải đạt là 50 ha (Riêng thành phố Thủ Đức tối thiểu 100 ha) và đưa các chỉ tiêu này vào nghị quyết đại hội Đảng bộ của từng địa phương giai đoạn 2026 – 2030.

Hữu Huy – Trọng Thịnh – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Đốn hạ cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám Ảnh: H.H

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/tphcm-ngay-cang-thieu-cay-xanh-post1635832.tpo