Bên cạnh khai thác kinh tế vỉa hè và quản lý mô hình này chặt chẽ, TP.HCM phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho người lao động nghèo bán rong.
Sáng 30/8, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức hội thảo Giải pháp quản lý, khai thác vỉa hè tại TP.HCM. Buổi thảo luận kéo dài hơn 3 giờ, xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế vỉa hè trên địa bàn, đồng thời đề ra giải pháp quản lý hiệu quả mô hình trên.
Trong nhiều góp ý, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần sớm quy hoạch các khu phố ẩm thực, hỗ trợ người dân chuyển đổi để đề án thu phí vỉa hè được khả thi hơn.
Kinh nghiệm của Đà Nẵng
Theo các chuyên gia, vỉa hè – khu vực kinh tế phi chính thức tạo ra ít nhất 20% GDP địa phương. Như vậy, người hoạt động kinh doanh trên vỉa hè đã tham gia tích cực trong nền kinh tế quốc gia. Vỉa hè trở thành nơi tạo ra việc làm và thu nhập của số lớn cư dân nghèo đô thị.
Việc TP.HCM muốn quản lý, khai thác kinh tế từ vỉa hè nhằm xác lập trật tự đô thị, tạo nguồn thu ngân sách cũng được đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa quản lý vỉa hè để người dân không lấn chiếm, nhưng phải vừa hài hòa thu nhập những người phụ thuộc sinh kế vào lòng đường này.
Kinh nghiệm từ quận Hải Châu (Đà Nẵng), TS Bùi Ngọc Như Nguyệt, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng cho biết địa phương chia làm 3 nhóm đối tượng để quản lý, khai thác kinh tế vỉa hè. Trong đó, một là nhóm kinh doanh mặt tiền có sử dụng vỉa hè; hai là nhóm kinh doanh nhỏ lẻ trên vỉa hè, ba là nhóm hàng rong, bán dạo.
Theo đó, quận Hải Châu thí điểm xây dựng các tuyến phố chuyên kinh doanh để tạo điều kiện cho người dân buôn bán. Đến nay, mô hình phố chuyên kinh doanh này đã cải thiện bộ mặt đô thị địa phương, hoạt động buôn bán náo nhiệt, sầm uất hơn, người dân ủng hộ, chấp hành.
Bên cạnh đó, một trong những cách xử lý vi phạm được địa phương triển khai hiệu quả trong thời gian qua là xử lý vi phạm hành chính thông qua hình ảnh, kiểm tra đột xuất. Các phường đảm nhận công tác kiểm tra, duy trì tại các điểm, sau khi được quận hỗ trợ lực lượng thiết lập trật tự.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chồng chéo nhiệm vụ giữa các đơn vị, dẫn đến thoái thác trách nhiệm trong quá trình quản lý vỉa hè, lòng đường.
Theo TS Nguyệt, thực tế cũng phát sinh nhiều khó khăn giữa mặt tiền trước và sau vỉa hè. Có nghĩa hoạt động thương mại trên vỉa hè trước mặt tiền của chủ sở hữu mặt tiền nhà đã gây không ít phiền hà cho những chủ sở hữu này.
Do đó, khi lấy ý kiến thì đa phần chủ sở hữu không đồng ý cho phép thuê vỉa hè trước mặt tiền nhà mình. Người hoạt động trên vỉa hè hiện nay đều không được cấp phép và được chính quyền “bỏ qua” khi đi kiểm tra. Nhiều trường hợp chia sẻ đóng phí thuê khoảng 2,3 triệu đồng/tháng cho chủ nhà mặt tiền mà khoản phí này lẽ ra phải đóng cho Nhà nước.
Để khắc phục, TS Nguyệt cho rằng đối với nhóm kinh doanh mặt tiền có sử dụng vỉa hè cần tăng phí sử dụng vỉa hè theo nguyên tắc những nơi tập trung đông, nhu cầu lớn; thường xuyên rà soát, bổ sung danh mục các tuyến đường cho phép sử dụng tạm vỉa hè; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vỉa hè như lắp CCTV…
Đối với nhóm nhỏ lẻ và nhóm hàng rong, bán dạo cần quy hoạch vị trí cụ thể trên vỉa hè được phép thuê và thành lập các khu phố tập trung để buôn bán; từng bước triển khai việc cấp phép.
Bài học từ Thái Lan, Singapore
TS Dư Phước Tân cho biết, tương tự TP.HCM (Việt Nam), chính quyền thành phố Bangkok (Thái Lan) cũng đương đầu với nạn lấn chiếm lề đường từ đầu thập niên 70 của thế kỷ XX. Đến năm 1976, thành phố này ban hành 2 quy định về quản lý bán hàng rong di động (mobile vendor) và cố định (fixed vending). Năm 1978, chính quyền thành lập Phòng cảnh sát đô thị (City Police Office) giám sát và quản lý bán hàng rong. Không chỉ người bán hàng rong mà cả người mua cũng có thể bị bắt, nếu vi phạm.
Để quản lý vỉa hè lòng đường đi vào nền nếp, quốc gia này áp dụng phí vệ sinh mỗi tháng 10 USD. Mỗi tháng, khu vực được dọn 2 ngày, thời gian này, hàng rong không được hoạt động. Đến nay đã có 1.000 khu được sắp xếp.
Đối với Singapore, sau năm 1971, quốc gia này đã giải quyết được bài toán người bán rong bất hợp pháp. Chính quyền thành công trong việc chuyển người bán rong ở vỉa hè vào các khu vực trung tâm ăn uống. Mỗi hộ được trợ cấp di dời của chính quyền đến 1.000 đô la Singapore. Mặt khác, người bán phải đăng ký kinh doanh, trả tiền thuê mặt bằng.
Tình trạng trưng dụng vỉa hè làm nơi giữ xe, buôn bán diễn ra ở nhiều nơi tại TP.HCM – đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1). Ảnh: Thư Trần
TS Dư Phước Tân cho biết nhìn rộng hơn, các nước châu Á thường trải qua 4 giai đoạn khi giải quyết vấn đề vỉa hè: Cấm đoán – điều chỉnh, hạn chế – cho phép và cuối cùng là giúp đỡ.
Tương tự tại TP.HCM, sau thời gian dài cấm đoán, TP.HCM đã dành ra một vài địa điểm công cộng để thí điểm, cho phép các hộ dân bán hàng rong được lựa chọn tụ tập kinh doanh.
Cụ thể, mô hình Phố hàng rong thí điểm từ năm 2017 (trên tuyến Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1). Người bán lưu động được bố trí địa điểm, phương tiện và buôn bán thực phẩm, dựa trên các quầy hàng ăn cố định, do chính quyền tài trợ.
Tuy nhiên, TS Tân cho rằng cần tách bạch giữa khu vực cho phép và nơi không cho phép bằng cách tô đậm phân định phần đường 1,5m dành cho người đi bộ. Đây là cơ sở để Nhà nước giám sát, xử phạt khi vi phạm, như Đà Nẵng đã làm.
Tạo sinh kế cho người dân
Theo TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố trước nay đã có nhiều nỗ lực ban hành chính sách quản lý hướng đến hài hòa lợi ích người dân đô thị. Tuy nhiên mục tiêu này chưa đạt. Việc UBND TP ban hành Quyết định 32 (về quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tại TP.HCM) vừa qua là tiền đề để thành phố từng bước giải quyết bài toán này.
Chuyên gia nhìn nhận vấn đề quan trọng khi giải quyết vấn đề vỉa hè là bên cạnh mặt quản lý đô thị cho trật tự, thành phố phải đảm bảo thu nhập kiếm sống cho người dân. “TP.HCM cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia đã làm để chọn lọc áp dụng cho địa phương. Nếu làm được, lợi ích sẽ rất lớn”, ông Tân nói.
Theo TS Tân, ở giai đoạn này, TP cần tập trung hỗ trợ, giúp đỡ lao động nghèo. “TP cần đưa ra quyết sách giúp người dân hiểu được chính quyền sắp xếp lại vỉa hè vì lợi ích cộng đồng, trong đó có lợi ích của người dân. Đây là giải pháp giúp họ chứ không làm hạn chế quyền lợi của họ”, ông Tân góp ý.
TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: Thư Trần
Ngoài ra, ông Tân cho rằng thành phố cần mạnh dạn quy hoạch những khu tập trung để đưa người bán rong vào các khu phố. Từ đó, người dân được thuận lợi buôn bán, thành phố cũng dễ dàng quản lý, xử lý vi phạm.
“Nếu cương quyết xử phạt người lấn chiếm, song song giúp đỡ người chấp hành tốt, đề án sẽ khả thi hơn”, ông Tân nói.
Những năm gần đây, TP thí điểm phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) với 27 gian hàng. Ông Tân nhận định do quy mô thí điểm nhỏ nên chưa đem lại tác động lớn cho thành phố.
“Tôi cho rằng nên tiếp tục thí điểm mô hình này ở quy mô lớn hơn với số lượng hỗ trợ cho hàng trăm người. Chuyển đổi để không chỉ tạo ra lợi ích cho người nghèo, mà khu vực cũ cũng được cải tạo cho thoáng đãng”, ông Tân gợi ý.
Có quan điểm tương đồng, TS Bùi Ngọc Như Nguyệt cũng cho rằng kinh tế vỉa hè cần được duy trì. Tuy nhiên, thành phố sẽ không khuyến khích người dân buôn bán, vỉa hè phải ưu tiên cho người đi bộ, với các giải pháp từ chính quyền; về lâu dài, vấn đề hàng rong cần được xóa bỏ.
Do đó, bà Nguyệt đề xuất TP.HCM sớm thành lập các khu phố tập trung như chợ đêm, khu ẩm thực, đồng thời cấp giấy phép buôn bán đối với cá nhân hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, thành phố cũng tăng cường an sinh xã hội cho người hoạt động kinh tế vỉa hè, chuyển đổi sinh kế cho người bán hàng rong.
TP.HCM có 1.238 tuyến đường với bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên. Theo tính toán của thành phố, việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường có thể đem lại nguồn thu ngân sách khoảng 1.522 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số tiền thu đối với lòng đường là 550 tỷ đồng/năm, số thu đối với vỉa hè là 972 tỷ đồng/năm. Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo thay thế Quyết định 74 vẫn giữ quan điểm vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông. |
Thư Trần – Báo Giao Thông
Theo Giao Thông
Ảnh: Vỉa hè khu vực đường Lê Lợi (quận 1). Ảnh: Chí Hùng
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.baogiaothong.vn/tphcm-nen-lam-kinh-te-via-he-the-nao-192230830133806342.htm