UBND TP.HCM cho biết ngân sách địa phương không đủ cân đối cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai dự án Vành đai 3 của thành phố. Theo đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét báo cáo Thủ tướng chấp thuận, ưu tiên đầu tư các dự án khép kín Vành đai 3 bằng vốn ngân sách Trung ương hoặc các nguồn vốn khác được bố trí từ Trung ương (trái phiếu, ODA…).
Theo UBND thành phố, Thủ tướng đã có công văn về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn cho địa bàn giai đoạn 2021-2025 là hơn 156.000 tỷ. Sau khi bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp và dự án đang thực hiện, thành phố không đủ nguồn vốn cho các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng Vành đai 3.
UBND TP.HCM nhận định tuyến đường Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển dịch vụ vận tải liên vùng giữa thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ngoài ra, với việc kết nối trực tiếp với 2 tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và TP.HCM – Chơn Thành, chậm khép kín đường vành đai này sẽ giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong kêu gọi xây dựng những cao tốc trên.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, TP.HCM cần gần 10.000 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với đoạn 3 (Bình Chuẩn – Quốc lộ 22) và đoạn 4 (Quốc lộ 22 – Bến Lức) thuộc dự án Vành đai 3.
Để khép kín được tuyến Vành đai 3, TP.HCM cần hoàn thiện 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án 1A (Vành đai 3 nối TP.HCM và Đồng Nai) dài 8,75 km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối giao cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc TP Thủ Đức (TP.HCM).
Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường từ 20,5-26 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Vốn đầu tư công trình khoảng 5.329 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Các đoạn còn lại của dự án vành đai 3 gồm dự án thành phần 2 (2A, 2B, đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch); đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 – Bến Lức, đang được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025, tổng vốn hơn 31.000 tỷ đồng.
Theo Zing.vn
Ảnh: Vành đai 3 của TP.HCM chưa thể khép kín sau hàng chục năm. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://zingnews.vn/tphcm-muon-khep-kin-vanh-dai-3-bang-von-trung-uong-post1209346.html