Tp.HCM: Lại tái diễn nạn xây dựng nhà không phép! (Bài 3)

(Phapluatmoitruong.vn) – Do nhu cầu về nhà ở, nhiều người thường chọn thông qua các đầu nậu, môi giới. Tuy vậy, không hiếm trường hợp, dù đã chung chi nhưng nhà thì vẫn bị cưỡng chế.

Theo ông Võ Văn Hiệp (SN 1957, ngụ ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A), chủ một công trình không phép: Con gái tôi dẫn mấy đứa con về ở cùng với ông bà ngoại. Thấy cảnh sinh hoạt chật chội, thương con cháu nên sẵn miếng đất nông nghiệp gia tộc để lại, tôi chia cho con một phần và đứng ra xây nhà cho nó. Tôi có làm đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhưng không được. Về sau, thấy nhiều người xây “chui” nên tôi cũng bắt chước theo”.

Theo đó, tháng 2/2020, ông Hiệp nhờ một người tên Dương làm nghề “xây dựng chui” khởi công làm căn nhà ở với tổng diện tích 75 m2. Ban đầu, chính quyền địa phương có đến kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu ngừng thi công. Sau đó, ông Hiệp làm đơn xin cứu xét gửi UBND xã Vĩnh Lộc A nhưng không được giải quyết.

Theo ông Hiệp, vì thấy xung quanh cũng có nhiều căn xây dựng không phép mà không bị xử lý, nên ông kêu thợ tiếp tục thi công. Tuy vậy, chỉ được vài hôm thì lại bị đình chỉ.

Đúng lúc này, Dương nói có thể giúp ông tiếp tục xây dựng căn nhà trên, nếu ông chịu “chung chi” 30.000.000 đồng (theo Dương, đây là mức rất thấp vì ông Hiệp là người địa phương, lại xây nhà cho con cháu, nếu không thì còn cao hơn nhiều). Hai ngày sau khi nhận đủ số tiền này, Dương bảo ông Hiệp cứ tiếp tục xây dựng. Và trong suốt thời gian thi công cho đến khi hoàn thành và dọn vào ở (hơn 5 tháng), ông Hiệp không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 6/2020, ông Hiệp nhận được quyết định cưỡng chế; ngày 10/8 nhận được thông báo tự nguyện tháo dỡ công trình và khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu.

Công trình không phép cách nhà ông Hiệp vài chục mét nhưng không bị xử lý.

Trong lúc lo sợ nhà bị cưỡng chế, ông Hiệp lại được một người tên Nhớ (làm nghề cửa sắt) giới thiệu gặp Dũng (chuyên xây dựng, số điện thoại 09035454xx, có vợ tên H, công tác ở UBND xã Vĩnh Lộc A). Dũng nhận “chạy” vụ này hơn 100.000.000 đồng và yêu cầu ông Hiệp ứng trước 50%, đưa cho một người phụ nữ tại quán cà phê Thảo Linh (C6/9A đường Liên Ấp 2-3-4, tổ 1, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A). Tuy ông Hiệp làm đúng theo lời Dũng nhưng sau đó, công trình vẫn bị cưỡng chế.

Người phụ nữ được Dũng giao nhận tiền.

Ông chia sẻ, “Mặc dù chúng tôi đã làm căng và lấy lại được tiền mà Dũng, Dương kêu chung chi, nhưng nếu căn nhà bị cưỡng chế, gia đình chúng tôi mất trắng 1,5 tỷ đồng. Đây là số tiền chúng tôi tích góp cả đời. Chúng tôi sai là tin lời của chúng nên cứ làm, nhưng giá như UBND xã Vĩnh Lộc A cũng quyết liệt hơn với các đầu nậu, môi giới…”.

Như vậy, chỉ vì tin lời các đầu nậu, môi giới với lời hứa “tự do xây dựng”, được “bảo hành” cho đến khi công trình hoàn thành, nhiều người cứ làm theo dù biết là vi phạm quy định pháp luật. Điều này dẫn đến hệ lụy là đến khi bị cưỡng chế tháo dỡ thì mồ hôi, công sức tích góp hàng chục năm như muối bỏ bể, nhà cửa bị đập phá chỉ còn lại một đống đổ nát.

Nhà cửa chỉ còn là một đống đổ nát sau cưỡng chế.

Về phía chính quyền địa phương, thiết nghĩ cũng phải chịu trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý để môi giới, đầu nậu lộng hành, cũng như không quyết liệt xử lý ngay khi công trình mới vi phạm mà để hoàn thiện rồi mới bắt đầu cưỡng chế, để lại thiệt hại không hề nhỏ mà người dân là người gánh chịu.

Lê Bảo  Hoàng Nam

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Căn nhà của ông Hiệp xây cho con gái và các cháu ngoại bị cưỡng chế.

Xem thêm tại đây: 

Tp.HCM: Lại tái diễn nạn xây dựng nhà không phép!

Tp.HCM: Lại tái diễn nạn xây dựng nhà không phép! (Bài 2)