TP.HCM: Kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí

Quy mô dân số đô thị cao, tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông lớn cùng với chậm phát triển cơ sở hạ tầng… đã tạo ra sức ép rất lớn đối với môi trường không khí ở TP.HCM.

Hiện nay, ô nhiễm không khí (ONKK) đang là vấn đề nóng của Việt Nam nói chung và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM nói riêng.

Tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe

ONKK chủ yếu là bụi và đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng, nhà máy lớn, khu công nghiệp tập trung. Trong vòng 10 năm gần đây, tại TP.HCM bụi mịn (PM 2,5) tăng đáng kể, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo thống kê của WHO, trên thế giới, ONKK khiến hơn 7 triệu người chết mỗi năm, gấp nhiều lần tai nạn giao thông. ONKK sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, giảm chức năng phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư… Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là bụi ở khắp nơi, chỗ nào cũng có. Và hiện nay, chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân của tất cả mọi người.

Anh Hải Nam (quận 12) cho biết “Giờ có COVID-19 thì không nói nhưng trước kia cũng vậy, đâu đâu cũng thấy người ta đeo khẩu trang bất kỳ sáng chiều hay tối, tôi còn nhớ có thời kỳ nhiều người lên án việc đeo khẩu trang bịt mặt như ninja, nhưng cũng dễ hiểu thôi vì bụi quá mà, phải bảo vệ sức khỏe mình trước chứ”.

Trong khi đó, nói về vấn đề này, chị Thanh Ngọc (Thủ Đức) cho biết “Bé con tôi mới hai tuổi thôi nhưng bé cũng quen với việc mang khẩu trang và mắt kiếng khi ra đường, hôm nào không có thì bé lại hỏi để nhắc tôi đeo cho. Không biết việc đeo cho bé như vậy có ảnh hưởng gì không nhưng ra đường mà thấy con không có đồ che chắn là phụ huynh chúng tôi thấy lo lắng lắm”.

Nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường không khí

Một trong những nguyên nhân gây ra ONKK nhiều nhất phải kể đến là do giao thông. Sở GTVT TP.HCM cho biết tính đến tháng 6-2019, toàn thành phố có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm khoảng 825.300 ô tô và 8,12 triệu xe máy. Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay) đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.

Để kiểm soát ô nhiễm giao thông vận tải, TP.HCM cần thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải phải được duy trì thường xuyên.

Kiểm soát ô nhiễm không khí là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường

Cần tăng cường công tác quan trắc không khí ở nhiều địa điểm nhằm kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí từng ngày. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các vị trí có mật độ giao thông lớn.

Ngoài ra, thành phố phải nhanh chóng di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào các KCN tập trung, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, nâng cao hoạt động truyền thông; phát triển công nghiệp xanh; vận động các KCN và cơ sở công nghiệp xung quanh TP ứng dụng công nghệ sản xuất sạch…

Tốc độ phát triển kinh tế đang làm ô nhiễm không khí đang ngày càng tăng. Để cải thiện môi trường không khí hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đô thị ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cần chú trọng phát triển bền vững song hành việc xây dựng và hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân… Để từng bước tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng không khí, TP.HCM cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường năng lực, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường không khí; hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là kiểm soát ONKK theo Luật Bảo vệ Môi trường trong thời gian tới.

NI NA – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Mật độ giao thông dày đặc khiến ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/do-thi/moi-truong/tphcm-kiem-soat-giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-khong-khi-935709.html