UBND TP. HCM vừa có công văn số 1291/UBND-DA gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến nguồn vốn thực hiện dự án đường Vành đai 3.
Theo UBND TP. HCM, tuyến đường Vành đai 3 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận chuyển liên kết, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của TP. HCM nói riêng và khu kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Đường Vành đai 3 kết nối với cao tốc TP. HCM – Mộc Bài, cao tốc TP. HCM – Chơn Thành (dự kiến đầu tư theo hình thức PPP trong giai đoạn 2021 – 2025). Việc chậm khép kín đường vành đai 3 sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và khó khăn trong việc kêu gọi tư vấn xây dựng các đường cao tốc này.
Trong thời gian vừa qua, UBND TP. HCM đã có rất nhiều văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nghiên cứu đầu tư khép kín đường vành đai 3.
Gần nhất, vào ngày 3/4/2021, tại cuộc họp do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì, UBND TP.HCM tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư khép kín đường vành đai 3 bằng nguồn vốn trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc các địa phương đảm nhận toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, trong đó đoạn qua TP.HCM vào khoảng 9.734 tỷ đồng, UBND TP.HCM cho biết ngân sách thành phố không đủ để đảm nhận phần việc này.
Cụ thể, nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến bố trí cho TP. HCM vào khoảng 156.000 tỷ đồng. Sau khi bố trí cho các dự án chuyển tiếp và các dự án đã khởi công, UBND TP. HCM không đủ nguồn để cân đối cho các dự án mới, bao gồm việc giải phóng mặt bằng tuyến đường vành đai 3.
UBND TP. HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ chấp thuận, ưu tiên đầu tư các dự án khép kín đường vành đai 3 bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc các nguồn vốn khác được bố trí từ trung ương như trái phiếu chính phủ, ODA….
Trước đó, vào đầu tháng 4/2021, Bộ GTVT đã có công văn số 3102/BGTVT – KHĐT gửi UBND các tỉnh/TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về kế hoạch triển khai đầu tư Dự án đường vành đai 3 – TP. HCM.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011) cần phải hoàn thành xây dựng vành đai 3 trước năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có 16,3 km/89 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác với quy mô 6 làn xe cơ giới (chiếm 18,3% tổng chiều dài vành đai 3).
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến vành đai 3 TP. HCM cần khoảng 60.024 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 32.700 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 27.300 tỷ đồng.
Theo VietnamFinance
Ảnh: TP. HCM không đủ vốn bồi thường giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 (ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: