Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức, một điểm đen về kẹt xe, với tháp biểu tượng mang tên ‘Khát Vọng’ được thiết kế gồm ba tầng với tổng vốn đầu tư 3.770 tỷ đồng…
Công trình nút giao thông An Phú nằm tại điểm đầu của tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ (tức đại lộ Đông Tây), được kỳ vọng giảm ùn tắc cho khu vực và tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống).
NÚT GIAO THÔNG AN PHÚ, BIỂU TƯỢNG THÁP KHÁT VỌNG
Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), chủ đầu tư dự án xây dựng nút giao thông An Phú, vừa có tờ trình Ủy ban nhân dân TP.HCM về phương án thiết kế nút giao này.
Theo TCIP, công trình sẽ xây dựng tháp trung tâm tại khu vực “đảo elip”, chiều cao của tháp là 36 m, đường kính cột tháp và đế 4,4 m, đỉnh 10,4 m. Tháp được cấu thành bằng các thanh thép ống tròn mạ kẽm, các sàn cầu thang và sàn nghỉ làm bằng các thanh nan thép có khe hở (để thoát nước mưa tự do). Thân tháp được trồng thêm cây xanh tăng mảng xanh và tính thẩm mỹ.
Trên cao của đảo trung tâm có hai cầu vượt: Một cầu chữ Y nối đường Mai Chí Thọ, phía xa lộ Hà Nội và đường Lương Định Của với tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; một cầu rẽ phải từ tuyến cao tốc vào đường Mai Chí Thọ, phía xa lộ Hà Nội. Khu vực vòng xoay được xây dựng tiểu đảo trung tâm và tháp biểu tượng mang tên Khát Vọng.
Các cầu vượt băng qua nút giao thông An Phú với mỗi nhánh được thiết kế hai làn xe, rộng 9 m, cao 4,75 m, vận tốc 50 km/h. Lan can cầu làm bằng thép mạ kẽm. Mặt cắt ngang hai hầm chui có bốn làn xe (hai chiều), tổng chiều dài 915 m; trong đó, hầm HC1 dài 455 m và HC2 là 460 m, vận tốc 50 km/h. Khu vực có bố trí hai trạm bơm thoát nước.
Tháp được trang bị thang xoắn để tiện duy tu, bảo dưỡng. Xung quanh đảo tháp trung tâm này là hồ nước cạn, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật trụ tháp.
TCIP cũng cho biết, tháp Khát Vọng là biểu tượng cho sự thống nhất, đồng lòng cùng một khát vọng xây dựng TP.Thủ Đức trẻ, năng động, vươn lên tầm cao mới. Tổng mức đầu tư dự án dự khoảng 3.773 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 1.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP.HCM.
Cũng theo chủ đầu tư, công trình dự kiến được khởi công năm nay 2022 và hoàn thành năm 2025. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây với đại lộ Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của TP.HCM; giải quyết bài toán ùn tắc giao thông quanh khu vực nút giao ở cửa ngõ phía Đông của Thành phố, đặc biệt khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác.
NÚT GIAO THÔNG AN PHÚ, ÁM ẢNH BÀI TOÁN KẸT XE
Giao thông lộn xộn, kẹt xe thường xuyên, tắc nghẽn giờ cao điểm, đe dọa an toàn giao thông,… là những ghi nhận được, tại khu vực nút giao thông An Phú, đoạn từ ngã ba đại lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống, qua ngã tư Lương Định Của – Mai Chí Thọ đến đầu tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đây là một trong những “điểm đen” về giao thông của TP.HCM.
Khu vực nút giao thông An Phú, nỗi ám ảnh kẹt xe triền miên.
Khu vực nút giao có nhiều tuyến đường lớn, là nơi giao nhau của bốn tuyến đường chính rất quan trọng của TP.HCM: Đường Đồng Văn Cống ra vào cảng Cát Lái; đường Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh; tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; hướng vào đường Mai Chí Thọ đi quận 1.
Dự án nút giao thông An Phú đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua vào tháng 4/2021, có tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách (ngân sách trung ương 1.800 tỷ đồng, ngân sách thành phố 2.126 tỷ đồng). Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 29 ha, trong đó diện tích đất cần thu hồi khoảng 2.400 m2. Đây là một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông thành phố giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ.
Đầu tháng 11/2021, TCIP có Thông báo số 4385/TB-BQLDGT-ĐB2 mời thi thuyển “Phương án thiết kế kiến trúc nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức”. Cuộc thi tuyển nhằm tìm được ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình tối ưu có tính khả thi, độc đáo, hiện đại, đặc sắc và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cao về thiết kế giao thông cầu đường.
Tháng 12/2011, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về phê duyệt phương án thi tuyển thiết kế kiến trúc nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức. Đối tượng tham dự thi tuyển là các công ty, tổ chức hoặc liên danh hành nghề thiết kế quy hoạch, kiến trúc tư vấn có uy tín, năng lực trong và ngoài nước.
Mới đây, tháng 02/2022, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm có ý kiến về thiết kế cơ sở dự án nút giao An Phú, để địa phương hoàn thành thủ tục sớm triển khai dự án này theo quy định.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, công trình xây dựng nút giao thông An Phú là một trong ba dự án cửa ngõ TP.HCM được đặt mục tiêu khởi công trong năm 2022. Hai dự án khác là: Dự án đường nối Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn, – cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với vốn đầu hơn 4.848 tỷ đồng đã được Thành phố duyệt dự án đầu tư. Và dự án mở rộng, nâng cấp tuyến quốc lộ 50 TP.HCM đi Long An và Tiền Giang có tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng đã được bố trí vốn để triển khai trong năm 2022 này.
Ý tưởng xuyên suốt phương án kiến trúc tượng trưng cho sự thống nhất, cùng một khát vọng xây dựng thành phố trẻ năng động vươn lên một tầm cao mới. Đế tháp thể hiện cội nguồn là sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, sự hợp lực của nhiều thành phần xã hội trong Thành phố hòa cùng một khát vọng xây dựng thành phố giàu mạnh. Phần đỉnh tháp thể hiện tinh thần mạnh mẽ vươn lên đầy lạc quan và tự tin. |
Xuân Nghi/VnEconomy
Theo VnEconomy
Ảnh: Công trình Nút giao thông An Phú với tháp biểu tượng Khát Vọng sau khi hoàn thành. Ảnh: TCIP
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vneconomy.vn/tp-hcm-dau-tu-xay-dung-nut-giao-thong-an-phu-3-770-ty-dong.htm