(Phapluatmoitruong.vn) – Đến hẹn lại lo. Mưa đến làm dịu đi cái nóng hừng hực của những ngày nắng oi ả, nhưng đồng thời cũng khiến cho cuộc sống của người dân trong các khu vực “hễ mưa là ngập” gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiều giải pháp và công trình thuộc các dự án chống ngập được triển khai tại Tp.HCM, nhưng lại gặp vấn đề khi chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới. Đặc biệt, đối với những tuyến đường có lượng xe cộ lưu thông cao như Lê Lợi, Lê Lai, Cống Quỳnh, Bùi Viện, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm…, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế của người dân.
Sống ở hẻm 2889 Phạm Thế Hiển, phường 7, Q.8, anh Dũng Linh – một người kinh doanh hàng ăn trong hẻm, rất ngán ngẩm mỗi khi trời mưa, dù chỉ là những cơn mưa nhỏ cũng đủ khiến cho con hẻm ngập nước và có khi nước tràn cả vào nhà. Anh cho biết: “Hẻm này rộng, đã nhiều năm rồi vẫn chưa được nâng lên. Mưa xuống cống thoát nước không kịp, cứ mưa là bị ngập, chưa tính triều cường lên kết hợp với mưa, càng ngập dữ dội hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân nơi đây”.
Theo anh, vào ngày mưa thì y như rằng những hộ kinh doanh trong các con hẻm khóc ròng do khách cũng ngại vào mua đồ, ăn uống trong con hẻm ngập nước. Chưa kể, nước mưa hòa lẫn với rác thải lềnh bềnh cùng chất thải động vật làm cho tình trạng càng trở nên tồi tệ.
Sài Gòn có hai mùa mưa nắng, hết năm này sang năm khác, cứ vào mùa mưa, quang cảnh hỗn loạn với dòng người và xe cộ lội bì bõm trong dòng nước đen ngòm đã không còn xa lạ. Đối với những lúc như thế này, câu nói “Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo” tưởng chừng vô thưởng vô phạt lại được nhiều người nhắc đến, nghe sao thật xót xa. Người buôn bán thì lo lắng không bán được hàng, người lao động thì lo không đến được chỗ làm đúng giờ, những người làm cha, làm mẹ thì sợ xe chết máy giữa đường, không kịp đưa, đón con cái. Cuộc sống mưu sinh vất vả, lại chịu thêm cảnh nước ngập đường đi khiến người lao động lại càng thêm nỗi lo toan…
Vấn nạn ngập tại các đô thị vào mùa mưa đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Điều nghịch lý là Tp.HCM có địa hình tự nhiên tương đối thuận lợi, sông rạch len lỏi khắp nơi tạo điều kiện cho nước thoát dễ dàng nhưng cứ mưa xuống là ngập, ngập thì lại gây ra ùn tắc giao thông rồi hư xe, tai nạn… Không thể phủ nhận rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập sau mưa ở Tp.HCM là do mưa kết hợp với triều cường, nhưng sự tác động của con người cũng là không nhỏ. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các cao ốc cứ mọc lên từng ngày trong khi cơ sở hạ tầng theo không kịp, hệ thống cống thiếu đồng bộ làm giảm tốc độ dòng chảy.
Con hẻm nhỏ thành sông sau cơn mưa lớn.
Một trong các giải pháp tạm thời của người dân tại các con hẻm ngập nước là tạo vách chắn bằng các bao tải cát để ngăn nước vào nhà. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình còn nâng cốt nền nhà cao hơn mặt đường để chống ngập. Không chỉ gây khó khăn, mệt mỏi cho người dân, việc đối phó với nước ngập bằng cách nâng cốt nền có thể gây ra nhiều hệ lụy cho đô thị, bởi càng nâng cốt nền cao thì tình trạng ngập lại trầm trọng hơn do hệ thống cống trong khu vực sẽ không còn đồng bộ về kích thước so với cao độ của mặt đường.
“Bao giờ Sài Gòn hết ngập?” là câu hỏi được người dân nhắc đi nhắc lại vào mỗi mùa mưa, nhưng cho đến nay, vẫn chưa tìm được lời giải đáp thích đáng…
Mạc Tường Vi
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Người dân phải lội nước vất vả.