Tp.HCM: Dân kêu cứu vì ô nhiễm!

(Phapluatmoitruong.vn) – Hàng chục “núi” cát, đá c khủng tập kết sát mí đê, tràn xuống lòng kênh, còn xe quá khổ, quá tải thì ngang nhiên hoạt động trong giờ cấm.

Kênh Xáng An Hạ có nguy cơ sạt lở

Đi dọc theo Kênh Xáng An Hạ, thuộc hai xã Lê Minh Xuân và Bình Lợi, chưa đầy 1 km, không khó để bắt gặp hàng loạt “núi” cát, đá tập kết sát mí đê, không có khoảng cách hành lang an toàn, gây nguy cơ sạt lở cao.

Theo ghi nhận, quanh khu vực này có đến gần 10 bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, trong đó chỉ có một số cửa hàng, công ty có biển hiệu như Tùng Vy, Hoàng Long An, Hai Trung, A Minh, Đức Nga và Bãi Đá Số 1.

Trong quá trình tác nghiệp, PV thật sự hoảng hốt về quá trình bốc dỡ cát, đá của các bến, bãi nơi đây. Những chiếc sà lan dài hàng chục mét, với khối lượng hàng nghìn tấn chắn ngang Kênh Xáng An Hạ trong nhiều giờ liền phục vụ cho việc vận chuyển. Trong trường hợp này, nếu có phương tiện thủy khác lưu thông sẽ không qua được.

Dưới sông thì sà lan hàng nghìn tấn, trên bờ thì bãi cát đá ngút trời, tiếng gầm của động cơ hoạt động liên tục như con thoi khiến khung cảnh nơi đây rất hỗn loạn. Theo người dân nơi đây: Các bến bãi ở đây đã hoạt động trong một thời gian dài. Họ tập kết hàng nghìn khối cát, đá sát mí đê kéo dài hàng trăm mét mà không có khoảng cách an toàn để chống sạt lở. Máy móc thì hoạt động liên tục, khói bụi bay mịt trời, ô nhiễm nghiêm trọng. Chúng tôi đã kiến nghị chính quyền nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy xử lý!”.

 Sà lan (số hiệu: DN-1129) chắn ngang Kênh Xáng An Hạ để bốc dỡ vật liệu.

Theo quy định, để được cấp giấy phép hoạt động bến, bãi vật liệu xây dựng phải đáp ứng nhiều điều kiện như “có giấy đăng ký phù hợp ngành nghề, có giấy xác nhận kế hoạch bảo v môi trường được UBND cấp huyện xác nhận, đã hoàn thành việc xây dựng công trình bến bãi theo giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp và giấy phép xây dựng đang còn thời gian hiệu lực, có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của cấp có thẩm quyền, giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất cho mục đích làm bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát sỏi, đảm bảo điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định, có nội quy hoạt động bến bãi”.

Cát, đá tập kết sát mí đường, vương vãi ra lòng đường, không rào che chắn (tại đường Vườn Thơm, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh).

Tuy nhiên, rõ ràng các bến bãi tại đây chưa đáp ứng được những yêu cầu trên như không có rào che chắn, cát đá vương vãi khắp ra đường, nơi tập kết không có hành lang an toàn chống sạt lở… Nhưng không hiểu sao, cho đến nay, những bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động?!

Sà lan cỡ lớn lưu thông vào nhánh nhỏ của Kênh Xáng An Hạ sát nhà dân.

Xe quá tải hoành hành giờ cấm

Trong quá trình tác nghiệp, có một điều còn khiến chúng tôi kinh ngạc hơn nữa. Đó là trên tuyến đường Mai Bá Vương (thuộc xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), có cắm biển cấm xe có tải trọng trên 5 tấn từ 6 giờ đến 22 giờ. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, các tài xế vẫn thản nhiên cho xe lưu thông vào cung đường này, thậm chí là đi ngược chiều và đậu đỗ ngược chiều!

Theo quan sát, bề ngang mặt đường Mai Bá Vương chỉ từ 6-8 m cho cả hai chiều đường. Mỗi lần các xe tải lao vun vút trên đường, người tham gia giao thông phải dạt sang hai bên lề để đảm bảo an toàn tính mạng. Đó là chưa kể các xe này thường chở đất, cát, đá nhưng che đậy rất sơ sài, vật liệu bay tứ tung làm mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chiếc xe ben (BKS: 51C – 963.50) có tải trọng lớn chở cát vượt quá thùng xe, trong khung giờ cấm (lúc 10 giờ 50 phút, trên đường Mai Bá Vương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).

Người dân địa phương cho biết, những chiếc xe này chạy liên tục từ sáng sớm cho đến tận tối khuya. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe ra vào khiến trời nắng thì bụi mịt trời, ngày mưa thì lầy lội.

Xe ben không chỉ lưu thông trong giờ cấm còn ngang nhiên đi và đậu đỗ ngược chiều.

Đáng nói hơn, trong nhiều lần tác nghiệp tại khu vực này, PV không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng ở đâu. Cứ thế, các loại xe tải quá tải, quá khổ, che đậy sơ sài, cơi nới sai quy định… cứ ngang nhiên hoạt động như chốn không người.

Biển cấm tải trọng từ 6 giờ đến 22 giờ trên đường Mai Bá Vương.

Chính vì vậy, người dân địa phương không khỏi bức xúc, UBND cấp xã, huyện đang ở đâu, có thường thanh tra, giám sát hoạt động của các bến bãi vật liệu xây dựng hay không. Và lực lượng CSGT, TTGT ở đâu, bao giờ mới xuất hiện để xử phạt các phương tiện vi phạm?!

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Lê Bảo  Phan Hải

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Cát, đá được các doanh nghiệp tập kết sát mí đê, không có khoảng cách an toàn chống sạt lở.