Tp.HCM: Chợ tạm Cô Giang vẫn hoạt động sau lệnh cấm

UBND thành phố HCM đã chỉ đạo chấm dứt hoạt động chợ tạm Cô Giang nhưng đến nay người dân vẫn tổ chức kinh doanh, buôn bán bất chấp lệnh cấm.

Ngày 15/3/2019, UBND Tp.HCM phát đi công văn khẩn gửi đến UBND quận 1 và các đơn vị liên quan về việc chấm dứt hoạt động chợ lề đường Cô Giang. Theo như chúng tôi được biết, hoạt động kinh doanh, buôn bán dọc hai bên lề đường Cô Giang đã có từ trước năm 1994. Hoạt động buôn bán chợ tạm này duy trì lâu dài bởi những hộ dân sống dọc tuyến đường này cũng như những người dân từ nơi khác đến.

Giống nhiều khu chợ tạm khác trên địa bàn thành phố, chợ tạm Cô Giang không có khu nhà lồng chợ, không có sạp buôn bán cố định, không có hệ thống thu gom xử lý rác, nước thải, không đảm bảo an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, gây mất an toàn giao thông…Mọi hoạt động buôn bán đến diễn ra ngay trên lòng lề đường. Cảnh người buôn, kẻ bán cứ thế diễn ra hàng chục năm qua giữa trung tâm một thành phố sầm uất, hoa lệ  như Tp.HCM.

Lòng lề đường bị chiếm dụng, giao thông đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường…là hình ảnh quen thuộc ở mỗi khu chợ tạm.

Không phải đến bây giờ chợ lề đường Cô Giang mới được UBND thành phố và UBND quận 1 chỉ đạo “xóa sổ” hoàn toàn. Năm 2017, UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo khẩn về việc chấm dứt hoàn toàn hoạt động chợ lề đường Cô Giang cũng như 2 chợ tạm khác là Tôn Thất Đảm và Nguyễn Văn Tráng. Sau đó thì ai cũng biết, 3 khu chợ tạm đó vẫn hoạt động cho đến hai năm sau khi UBND thành phố có chỉ đạo mới lần 2.

Trong công văn khẩn gửi đến UBND quận 1 có nêu rõ: “UBND quận 1 không được ủy quyền lại cho cơ quan, tổ chức khác khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được UBND thành phố ủy quyền”. Không dừng lại ở đó, UBND thành phố cũng yêu cầu UBND quận 1 phải xây dựng kế hoạch chốt chặn, không để phát sinh thêm điểm, khu vực kinh doanh, buôn bán tự phát trên đường Cô Giang.

Hàng rong, xe đẩy vẫn tụ về đây sáng sớm mỗi ngày để buôn bán bất chấp lệnh cấm.

Tuy nhiên, gần 1 tháng sau khi có công văn chấm dứt hoạt động chợ, nhiều hộ dân vẫn tổ chức buôn bán, hàng rong, xe đẩy vẫn “tề tựu” về đây vào mỗi sáng sớm, mặc cho Thành phố đã có những phương án hỗ trợ thiết thực.

Cụ thể, những hộ có đầy đủ giấy tờ kinh doanh và có doanh thu trên 18 triệu/tháng sẽ được hỗ trợ 44 triệu đồng. Những hộ có doanh thu chỉ từ 8 triệu/ tháng được hỗ trợ 39 triệu đồng. Mức hỗ trợ 29 triệu đồng dành cho những hộ kinh doanh không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định và tổng kinh phí hỗ trợ cộng các khoản phí dự phòng là hơn 13,8 tỉ đồng.

Nhật Minh

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Chợ tạm Cô Giang vẫn hoạt động bình thường sau lệnh chấm dứt từ UBND Tp.HCM.