TP.HCM: Bốn tuyến buýt đầu tiên tái hoạt động sau thời gian dài giãn cách

Bắt đầu từ hôm nay 05/10, 4 tuyến xe buýt đầu tiên sẽ tái hoạt động sau thời gian dài ngừng hoạt động vì giãn cách xã hội và đều thuộc địa bàn huyện Cần Giờ…

Đó là các tuyến buýt 77, 90, 127 và 128 hoạt động trở lại ở huyện Cần Giờ với tần suất 60 – 90 chuyến mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Theo ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, 4 tuyến xe khi hoạt động phải đảm bảo theo các tiêu chí an phòng chống Covid-19 trong lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố. Cụ thể: tuyến 77 (Đồng Hòa – Cần Thạnh) với 60 chuyến/ngày; tuyến 90 (Phà Bình Khánh – Cần Thạnh) với 90 chuyến/ngày; tuyến 127 (An Thới Đông – ngã ba Bà Xán) với 70 chuyến/ngày và tuyến 128 (Tân Điền – An Nghĩa) với 70 chuyến/ngày.

Đối với các tuyến xe buýt còn lại, căn cứ vào nhu cầu đi lại của người dân và tình hình phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ rà soát và báo cáo Sở Giao thông vận tải để có thông báo công bố cụ thể các tuyến xe buýt hoạt động trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Cũng từ ngày 05/10, các hãng taxi được hoạt động trở lại, theo đó mỗi hãng được đăng ký tối đa 20% số xe. Vận chuyển hành khách bằng xe du lịch đăng ký phương tiện tối đa không vượt quá 30% số xe. Các hãng ô tô công nghệ được phép đăng ký hoạt động tối đa không quá 10% số xe quản lý. Riêng đối với xe hai bánh công nghệ thì hiện chưa được phép hoạt động.

Trong phương án tổ chức giao thông tại TP.HCM sau ngày 01/10, xe buýt dần chạy trở lại sau thời điểm này với tần suất, thời gian phù hợp theo nhu cầu mỗi khu vực. Taxi, xe du lịch cũng được chạy trở lại nhưng không vượt quá 20 – 30% số xe ở từng đơn vị. Ô tô dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ cũng không quá 10% số xe doanh nghiệp,… Cùng với đó, TP.HCM cũng cho phép các phương tiện không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách hoạt động phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận huyện và TP. Thủ Đức tổ chức theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế, xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Người tham gia lưu thông được yêu cầu phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử, đến khi ứng dụng PC-Covid chính thức đưa vào hoạt động. Nếu không có mã QR, họ cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc tiêm vắc xin (ít nhất 1 mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày). Các loại xe chỉ được đi trong phạm vi TP.HCM, trường hợp liên tỉnh phải đáp ứng điều kiện khác.

Tại TP.HCM hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá, 37 tuyến không trợ giá. Kể từ ngày 20/6/2021, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, xe buýt cùng các loại hình vận tải hành khách khác như taxi, xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ, phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu… đã phải tạm dừng hoạt động cho đến nay.

Được biết, ngoài các tuyến buýt, taxi và xe ô tô công nghệ nói trên, đối với vận tải hàng hóa, các loại xe trên địa bàn TP.HCM hoạt động như trước thời gian giãn cách theo Quyết định 23, nhưng trong khung giờ cấm phải có giấy nhận diện mã QR do Sở Giao thông vận tải cấp.

Riêng vận tải hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành, xe đến, ngang qua thành phố phải có giấy nhận diện mã QR được cấp tại địa chỉ: vantai.drvn.gov.vn hoặc qua ứng dụng VNEID. Xe chạy qua địa bàn Thành phố không được dừng đỗ, trừ trường hợp bị các sự cố…

Vận chuyển hành khách bằng đường thủy, phà Bình Khánh, phà Cát Lái và một số bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách được phép hoạt động. Tần suất khai thác tối đa không quá 50% và không chở quá 50% sức chở cho phép của phương tiện.

Hoài Niệm/VnEconomy

Theo VnEconomy

Ảnh: Bốn tuyến buýt gồm tuyến 77, 99, 127 và 128 sẽ hoạt động lại từ ngày 05/10/2021 sau thời gian dài ngừng hoạt động vì giãn cách.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vneconomy.vn/tp-hcm-bon-tuyen-buyt-dau-tien-tai-hoat-dong-sau-thoi-gian-dai-gian-cach.htm