Theo các chuyên gia, mật độ xây dựng quá cao, nhà cao tầng mọc lên như nấm, đâu đâu cũng bê tông hóa… trong khi hệ thống thoát nước mấy chục năm không thay đổi sẽ khiến tình trạng ngập của Hà Nội ngày càng trầm trọng.
Nước mưa không còn chỗ ngấm
Cơn mưa lớn vào đúng giờ tan tầm chiều tối ngày 5/7 một lần nữa khiến hàng chục tuyến phố chìm trong nước, người dân đứng chôn chân giữa trời mưa hàng tiếng đồng hồ đã làm nhiều người dân thủ đô ‘ngao ngán’. Đáng nói là tình trạng cứ mưa là ngập ở Hà Nội đã kéo dài nhiều năm nay.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, bao nhiêu năm nay Hà Nội chưa thể giải được bài toán cứ mưa là ngập. Ngập năm sau luôn cao hơn năm trước. Điểm ngập cứ ngày một dày thêm. Về bản chất, đô thị vẫn có thể có lũ, nhưng phải có hệ thống tiêu thoát hài hòa, không thể trông chờ vào “ông Trời”. Trong khi Hà Nội, mưa ít thì tiêu nhanh, mưa nhiều – đương nhiên phải ngập.
“Ở Matxcơva (Nga), hệ thống thoát nước toàn thành phố đều được chảy ra kênh đào nằm giữa thủ đô. Kênh rất rộng và sâu, tàu tải trọng lớn còn có thể di chuyển. Thủ đô Paris (Pháp) có mạng lưới tiêu nước trong thành phố, gồm các công trình ngầm, với kích thước rất lớn, các thuyền vẫn có thể đi vào để nạo vét, sửa chữa.
Còn Hà Nội, chỉ là những đường ống nhỏ, cứ khi sắp mưa thì công ty thoát nước lại cử người đến vớt rác ở miệng cống chứ không thể chui vào trong để xử lý. Lâu dần bùn đất, rác thải mắc vào thì tiết diện đường ống giảm, khả năng thoát nước cũng kém đi. Đó chính là điểm yếu nhất trong thiết kế của chúng ta”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
Trong khi hệ thống thoát lũ suốt bao nhiêu năm không được đầu tư bài bản thì quy hoạch hạ tầng lại quá lộn xộn, chắp vá. Hở ra chỗ đất nào là nhét dự án chung cư cao tầng vào đó. Nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa là áp lực đè nặng lên hệ thống thoát nước. Thế là các điểm ngập cũ chưa giải quyết được, điểm ngập mới lại phát sinh.
Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương ở nước ta quy hoạch đang có vấn đề, không có sự đồng bộ, phát triển không kết nối với nhau. Quá trình bê tông hóa diễn ra quá nhanh, bề mặt đất đai bị che phủ, san lấp hồ tuy không còn diễn ra ở quy mô lớn nhưng vẫn còn tình trạng lấn chiếm để kinh doanh, thiếu công cụ điều hòa. Nước mưa có khả năng thấm tối đa 40% xuống mặt đất cho mạch nước ngầm. Khi bê tông hóa, nước không ngấm được nữa, mấy chục phầm trăm đáng lẽ ngấm đó lại đổ vào trong hệ thống thoát nước nên sẽ bị quá tải.
“Tôi cho rằng tình trạng ngập của Hà Nội sẽ ngày càng phức tạp hơn nữa trong tương lai”, GS Hồng nói.
Giải pháp nào chống ngập bền vững?
TS Chu Văn Hoàng Bộ môn Kỹ thuật hạ tầng, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, các đô thị chủ yếu phát triển theo hình thức lấn dần, có nghĩa phát triển từ các đô thị cũ. Sau khi phát triển, các đô thị được nâng cấp, các khu đô thị mới được tính toán với tần suất cao hơn, điều này dẫn tới chênh lệch cốt nền giữa đô thị cũ và đô thị mới, gây khó khăn cho công tác tổ chức thoát nước mặt đồng thời gây ra ngập úng cục bộ.
Các dự án xây mới, cải tạo nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị đã xảy ra tình trạng chênh lệch giữa cốt nền xây dựng công trình và cốt mặt đường gây ra ngập úng, ảnh hưởng tới an toàn công trình, sinh hoạt của người dân và cảnh quan đô thị. Đặc biệt, tại Hà Nội, các khu đô thị phát triển mở rộng thuộc chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 có cao độ cao hơn nhiều so với khu dân cư hiện hữu gây nên tình trạng ngập úng trong khu dân cư mỗi khi mưa lớn.
Điển hình khu đô thị mới An Khánh, khu vực làng xóm cao độ trung bình từ +5,50 m đến +7,00 m. Khu vực xây dựng đô thị mới có cốt nền +6,50 m đến +7,30 m. Tuyến đường cao tốc Láng Hòa Lạc – Đại lộ Thăng Long sau khi hoàn thành thành có cao độ mặt đường cao hơn cốt nền các khu đô thị 2 bên đường từ 1,20 m đến 1,50 m dẫn tới làm thay đổi hướng dốc nền và lưu vực thoát nước. Hiện tại, tình hình ngập úng cục bộ tại khu đô thị diễn ra rất phức tạp. Khu đô thị Bảo Sơn, khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco, đường gom Láng Hòa Lạc là những khu vực ngập úng nghiêm trọng.
Do vậy để giảm ngập bền vừng, cần quy định quản lý cốt nền theo mốc giới. Khi khu đất có mốc giới rõ ràng và thông tin quy hoạch đầy đủ người dân sẽ biết chính xác nhất mục đích sử dụng của khu vực, phạm vi đến đâu. Từ đó việc quản lý, giám sát các hoạt động xây dựng được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hơn.
Cần quy định khống chế diện tích san nền trong đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Với đặc điểm địa hình của các đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng thấp trũng, độ dốc nhỏ, rất khó khăn tổ chức thoát nước mặt chống ngập úng đô thị thì việc tính toán khống chế diện tích san nền trong đồ án quy hoạch cốt nền xây dựng thực sự cần thiết. Nguyên tắc quy hoạch cốt nền xây dựng là phải triệt để lợi dụng điều kiện địa hình tự nhiên.
Ứng dụng thông tin địa lý GIS trong quản lý cốt nền đô thị. Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quản lý dữ liệu quy hoạch bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được thực hiện từ giai đoạn lập quy hoạch đến giai đoạn thực hiện đầu tư, quản lý vận hành.
Tô Hội – Báo SK&ĐS
Theo Sức khỏe & Đời sống
Ảnh: Tình trạng ngập sau mưa kéo dài nhiều năm ở Hà Nội.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://suckhoedoisong.vn//tinh-trang-ngap-cua-ha-noi-se-ngay-cang-toi-te-hon-169220706115234538.htm