Tình tiết mới vụ hủy hoại rừng cấm làm đường Trường Sơn Đông

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ tháng 4/2021, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi 2 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho Dự án đường Trường Sơn Đông qua địa bàn, nhưng 2 tỉnh này chưa có ý kiến phản hồi.

Ngày 5/3, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, xử lý thông tin liên quan đến Ban Quản lý dự án 46 – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) thi công Dự án đường Trường Sơn Đông, tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng; đồng thời thông tin vụ việc đến Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).

Trước đó, Tổng Cục Lâm nghiệp có văn bản gửi 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk chỉ đạo kiểm tra việc tác động vào rừng trong quá trình thực hiện Dự án đường Trường Sơn Đông.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Dự án đường Trường Sơn Đông đã được UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo vào năm 2021 gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện.

Lán trại dựng để thi công cầu vượt sông Krông Nô bên địa phận tỉnh Lâm Đồng

Sau khi rà soát hồ sơ, tháng 4/2021, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi 2 địa phương này chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương rà soát, tổng hợp toàn bộ diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng của dự án đường giao thông đi qua từng địa phương để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho toàn dự án theo đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn chưa nhận được ý kiến của UBND tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Lắk.

Dù đã san gạt nhiều diện tích rừng, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa xác định được gỗ rừng đang ở đâu

Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị 2 tỉnh này chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin báo chí phản ánh liên quan đến tình trạng hủy hoại rừng khi làm đường Trường Sơn Đông, đồng thời, xử lý vi phạm theo quy định.

Liên quan đến xử lý trách nhiệm cán bộ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho rằng, phải chờ đến kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

Như Tiền Phong đã đưa tin, Dự án đường Trường Sơn Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 10.000 tỷ đồng (nguồn trái phiếu), chiều dài toàn tuyến 671km, quy mô chủ yếu đường cấp IV miền núi; bắt đầu từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và kết thúc ở Lâm Đồng.

Tuy nhiên, dự án khi đi qua các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk đã san ủi nhiều diện tích rừng đặc dụng khi chưa được các cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Đắk Lắk, đơn vị thi công đã san ủi trên diện tích hơn 15ha thuộc địa phận Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, thiệt hại 100%. Đến nay, các đơn vị chức năng chưa thống kê được khối lượng gỗ bị đốn hạ.

Còn thống kê của Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tại báo cáo số 33 (ngày 14/2), đơn vị thi công đã san ủi tổng chiều dài toàn tuyến hơn 3,3km, bề rộng trung bình đường khoảng 4m thuộc địa phận Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, huyện Lạc Dương. Trong đó có 2.000m2 nằm ngoài ranh giới đã chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích đất đường giao thông.

Hủy hoại rừng, nhưng không biết gỗ ở đâu?

Quá trình thi công dự án đường Trường Sơn Đông có các đơn vị, như: Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình, thi công gói thầu hầm H2), Công ty Cổ phần xây dựng Công trình 412 (Hà Tĩnh, đơn vị trực tiếp san gạt thi công gói thầu Đ 41), Công ty cầu đường 10 (thi công gói thầu C13, lý trình km625+614).

Phương tiện của Công ty Cổ phần xây dựng Công trình 412 (Hà Tĩnh) bên trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong trong quá trình san gạt, chặt rừng làm dự án, số lượng gỗ sau khi bị chặt phá hiện đang ở đâu, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết, đơn vị chỉ thi công gói thầu làm hầm, không liên quan gì đến làm đường (phải phá nhiều diện tích rừng-PV). Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần xây dựng Công trình 412 từ chối trả lời với lý do vụ việc đang chờ kết luận từ phía cơ quan chức năng.

Còn Ban quản lý dự án 46 (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, đã báo cáo sự việc lên Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng (Chủ đầu tư dự án).

Vũ Long – Báo Tiền Phong

Theo Tiền Phong

Ảnh: Đơn vị thi công san gạt nhiều cánh rừng, nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng không hề hay biết

Xem bài viết gốc tại đây:

https://tienphong.vn/tinh-tiet-moi-vu-huy-hoai-rung-cam-lam-duong-truong-son-dong-post1420907.tpo