Tìm giải pháp thoát lũ cho vùng đồng bằng phía nam tỉnh Quảng Bình

Chiều 15/12, Trường đại học Thủy lợi phối hợp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp thoát lũ cho vùng ‘rốn lũ’ phía nam tỉnh, gồm 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Hàng trăm năm qua, kể từ khi hình thành vùng đất Lệ Thủy và Quảng Ninh, nơi đây được coi là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, đợt mưa lũ đặc biệt lớn trong tháng 10/2020 đã nhấn chìm vùng đồng bằng châu thổ nhỏ hẹp, dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ này với mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Lũ lụt ở Lệ Thủy, Quảng Ninh thường có đặc điểm lên nhanh, ngập sâu, rút chậm nên gây nhiều thiệt hại cho người dân cũng như cơ sở hạ tầng ở đây.

Trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến Quảng Bình vào thời điểm đó đã gợi mở cho địa phương tìm phương án thoát lũ nhanh để giảm thiểu thiệt hại ở mức độ thấp nhất.

Vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trường đại học Thủy lợi phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đề tài nghiên cứu, tìm giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Dựa theo các kết quả phân tích, điều tra, khảo sát và xây dựng bản đồ ngập lụt cho khu vực này, nhóm nghiên cứu Trường đại học Thủy lợi đề xuất 4 nhóm giải pháp, gồm: nhóm 1 là nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ; nhóm 2, cải tạo hành lang thoát lũ; nhóm 3 là mở cửa thoát lũ mới ra biển (gồm các phương án: kênh dẫn kết hợp các hồ chứa tại huyện Lệ Thủy, kênh dẫn ra biển, ranh giới Lệ Thủy- Quảng Ninh, kênh dẫn ra biển Bảo Ninh) và nhóm cuối là xây dựng hệ thống hồ trữ lũ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích tính phù hợp, khả thi của từng nhóm giải pháp và phần lớn ý kiến đồng ý với giải pháp nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ có tính đến kết hợp với thực hiện các phương án khác, như nâng cấp hệ thống đê kè hai bên bờ sông Long Đại, Mỹ Trung.

Các nhóm giải pháp khác được cho là không khả thi vì nhiều lý do, trong đó có tính đặc trưng của vùng đất thấp lụt, tính ổn định của địa hình và địa chất, nguồn kinh phí lớn…

Đại diện nhóm thực hiện đề tài của Trường đại học Thủy lợi đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhất là các vấn đề có tính thực tiễn và quy luật gây ra lũ lụt lớn ở vùng đất Lệ Thủy-Quảng Ninh để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phương án thoát lũ có tính khả thi cao nhất để báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy Lê Vĩnh Thế cho biết, việc nghiên cứu để tìm được phương án thoát lũ lớn cho hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh là hết sức cần thiết. Mong muốn của lãnh đạo địa phương là cùng với việc tìm ra được phương án thoát lũ tối ưu, mang tính bền vững song phải tính toán khoa học để kết hợp được giải pháp thoát lũ với việc mở ra cơ hội, khai phá tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị của vùng đồng bằng phía nam tỉnh Quảng Bình.

Hương Giang – Báo Nhân Dân

Theo Nhân Dân

Ảnh: Nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ là giải pháp khả thi nhất để thoát lũ nhanh cho vùng phía nam Quảng Bình.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nhandan.vn/moi-truong/tim-giai-phap-thoat-lu-cho-vung-dong-bang-phia-nam-tinh-quang-binh-678450/