Đường sắt đô thị đang là vấn đề khó và cấp bách đối với những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm gần đây, cả hai thành phố này đang bị quá tải bởi lượng xe cộ, nhất là phương tiện giao thông cá nhân phát triển nóng làm cho đường phố tắc nghẽn nghiêm trọng.
Phát triển đường sắt đô thị là giải pháp cần thiết và khoa học trong việc giải bài toán hiệu quả về giao thông cũng như kinh tế.
Xây dựng đường sắt đô thị được xem là vấn đề khá mới ở Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nói riêng. Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh khó lường trước dẫn tới thi công chậm, kéo dài thời gian so với dự kiến; kinh phí đầu tư đội lên nhiều so với dự toán ban đầu. Khâu giải phóng mặt bằng, đền bù tiền đất, di dân cũng vướng mắc gây khiếu kiện.
Tuy nhiên, phát triển đường sắt đô thị vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong những năm tới nên Thành ủy, UBND, HĐND thành phố đã có nhiều văn bản, kết luận và quyết sách để thời gian tới thực thi một cách bài bản, khoa học và hiệu quả hơn.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, trong năm 2024 UBND thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường sắt đô thị, cũng như sớm nghiên cứu, triển khai những tuyến đường sắt nằm trong quy hoạch và kế hoạch. Việc đầu tiên là trong tháng 1 này, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Mục đích là trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống đường sắt đô thị của 2 thành phố theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Qua đó, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế để xây dựng nghiên cứu, hoàn thiện thể chế liên quan về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác đường sắt đô thị.
Từ đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo 5 lĩnh vực: quy hoạch; thu hồi đất giải phóng mặt bằng; huy động nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn giải pháp công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý thực hiện dự án.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng tham gia vào hội thảo làm tốt khâu chuẩn bị, tổ chức tiết kiệm, hiệu quả thiết thực; tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan, đơn vị, đại biểu, chuyên gia để phục vụ việc hoàn thiện thể chế về TOD và đề xuất theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035.
Dự kiến, hội thảo dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 1/2024 với sự tham dự của hàng trăm đại biểu là lãnh đạo cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các trường đại học, chuyên gia về lĩnh vực pháp luật, đầu tư, đất đai, quy hoạch, đường sắt đô thị của Việt Nam và quốc tế cùng đại diện doanh nghiệp lớn về xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị.
UBND thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý Đường chủ trì điều hành Hội thảo phiên chuyên đề “Tổng quan về TOD” và “Huy động nguồn lực từ đất đai”. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc điều hành Hội thảo phiên chuyên đề “Quy hoạch TOD”; Sở Quy hoạch – Kiến trúc Phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng điều hành Hội thảo phiên chuyên đề “Quy hoạch TOD”. Sở Giao thông – vận tải chủ trì điều hành Hội thảo phiên chuyên đề “Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật-công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị”.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội điều hành Hội thảo phiên chuyên đề “Huy động nguồn lực từ đất đai”. Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, điều hành Hội thảo phiên chuyên đề “Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phát triển đường sắt và khu vực TOD”…
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Theo Tin tức TTXVN
Ảnh: Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông vận hành thử trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Xem bài viết gốc tại đây: