Sông hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm lâu nay đã trở thành vấn đề được dư luận quan tâm. Cách nào để làm ‘sống lại’ các dòng sông và diện tích mặt nước hồ? Cần ứng xử với nguồn nước sạch như thế nào để gìn giữ nguồn tài nguyên nước bền vững cho một thành phố với dân số gần 10 triệu người?
Đô thị hóa, sông hồ biến mất
Đặc trưng địa lý của Hà Nội là thành phố của sông, hồ. Nhưng từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, rất nhiều diện tích mặt nước đã bị san lấp để lấy đất xây nhà, xây các công trình lớn. Hậu quả là sông, hồ Hà Nội bị thu hẹp dần, thậm chí biến mất. Số còn lại đang trong tình trạnh ô nhiễm nặng nề như các con sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét… trở thành cống lộ thiên nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối vòng quanh thành phố.
Để giải cứu, từ nhiều năm qua Hà Nội đã có không ít biện pháp bảo vệ, cải thiện hệ thống sông, hồ. Như tại Hồ Tây đã xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ. Đây được cho là giải pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ. Trên sông Đáy, thành phố triển khai dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy, đoạn từ đập Đáy đến phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và đoạn từ Yên Nghĩa đến Ba Thá (huyện Mỹ Đức). Để tăng cường công tác quản lý, thành phố đã giao Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cắm mốc giới hành lang sông và bàn giao cho chính quyền địa phương chỉ giới hành lang bảo vệ công trình thủy lợi để thực hiện công tác giám sát, xử lý vi phạm đất đai, lấn chiếm hành lang sông…
Bên cạnh đó, thành phố vay hàng trăm triệu USD vốn ODA cho dự án thoát nước làm cống mới, trạm bơm, nạo vét bùn, lu lèn chặt và kè bê tông toàn bộ sông hồ nội thành. Tuy nhiên, cách làm này cũng đã gây ra những hệ lụy. Ví dụ, năm 2003, Hà Nội cho nạo vét bùn, rồi trộn đất sét với cát vàng, lu lèn chặt đáy hồ Thiền Quang và kè xi măng xung quanh, biến hồ sinh thái tự nhiên thành “đĩa bê tông đựng nước”, những năm sau đó cá chết nhiều. Để giải quyết tình trạng, thành phố xoay xở nhiều cách như bơm sục khí, bè thủy sinh, rắc hóa chất Redoxy 3C, thả thiên nga… nhưng vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.
Cùng với đó là giải pháp xây 4 nhà máy xử lý nước thải cạnh các hồ nhưng kết quả là sông, hồ vẫn ô nhiễm. Nguyên nhân là Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây xây xong không có nước thải, trong khi các cống nước thải vẫn đổ thẳng xuống hồ, Nhà máy xử lý nước thải Trúc Bạch cũng tương tự. Nhà máy xử lý nước thải Bảy Mẫu, Kim Liên xử lý xong đổ vào sông Lừ, Sét, Kim Ngưu trộn lẫn nước bẩn chảy vòng quanh thành phố rồi mới đổ vào Nhà máy Yên Sở xử lý, bơm nước sạch ra sông Hồng.
Có thể thấy bên cạnh một số kết quả đạt được, việc xử lý ô nhiễm nguồn nước, nhất là nguồn nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy trên địa bàn Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do sức ép về gia tăng dân số và công tác quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải của các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình, ý thức giữ gìn môi trường của người dân…
Cần tạo dòng chảy tự nhiên trên các trục sông. Ảnh: Lê Vân.
Lo ngại nguồn nước sạch
Hồi tháng 9 vừa qua, hàng nghìn người dân Hà Nội thiếu nước sinh hoạt chỉ vì một sự cố nhỏ. Đó là một ôtô tải 5 tấn chở đá bị lật xuống suối Cun, đoạn qua xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, gây ô nhiễm hồ Đầm Bái, nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước Sông Đà. Nhà máy vì thế ngừng cấp nước, khiến người dân ở nhiều khu vực của quận Nam Từ Liêm, Hà Đông phải xếp hàng lấy từng can nước về dùng tạm. Trước đó, tháng 10/2020, một xe tải chở dầu nhớt thải đã đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Hòa Bình khiến dầu ngấm vào kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà. Nhà máy cũng ngừng cấp nước, khiến cư dân nhiều quận như: Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy phải mua nước đóng bình để sử dụng. Còn nhớ năm 2018, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ 18 lần, mỗi lần xảy ra sự cố khiến cuộc sống người dân đảo lộn vì không có nước sạch cho sinh hoạt.
Nhìn từ những vụ việc trên, GS Đặng Hùng Võ – Chuyên gia Quản lý tài nguyên nhận định: Tác động của một sự cố nhỏ đến đời sống hàng nghìn người dân Hà Nội đặt ra vấn đề đáng lo ngại về an ninh nguồn nước của thủ đô. Ngoài các sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Hà Nội hàng ngày còn đối diện với nguy cơ lớn về nguồn nước khi chất thải độc hại, chưa xử lý bị xả trực tiếp vào môi trường.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2020, mỗi ngày TP Hà Nội thải ra ngoài môi trường khoảng 300.000 tấn nước thải. Bao gồm nhiều nguồn thải khác nhau như: nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải đô thị. Đặc biệt phần lớn lượng nước thải này đều chưa qua xử lý. Bởi vậy, hàm lượng chất độc hại, vi khuẩn cực kỳ cao. Cụ thể, lượng chất hữu cơ xả thẳng ra môi trường là 3600 tấn/năm. Lượng dầu mỡ là 317 tấn. Cùng hàng chục tấn kim loại nặng độc hại như: chì, thủy ngân, sắt, asen… Người dân là đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi nước bẩn. Cư dân ở Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm liên tục phản ánh nước máy của họ có mùi khó chịu. Báo cáo kiểm tra nước từ cơ sở xử lý nước Sông Đà chỉ ra có mức styrene – hợp chất sản xuất nhựa và cao su, cao hơn khuyến nghị 1,3 – 3,6 lần.
Nhất là tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch, nước sông bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối. Theo khảo sát của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, nước ngầm cho các khu vực Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Bắc và Nam Từ Liêm có hàm lượng sắt cao. Các quận Long Biên, Ba Đình, Thanh Xuân có hàm lượng mangan cao.
GS Võ chia sẻ: Các nước công nghiệp từ lâu đã coi an ninh nước sạch là một yêu cầu quan trọng nhất của đô thị. Để cung cấp đủ và đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân, họ áp dụng một loạt giải pháp đồng bộ.
Hệ thống cung cấp nước cho dân cũng được tính toán cặn kẽ với nhiều nấc dự phòng, bị sự cố mất nước ở chỗ này sẽ có ngay kênh cấp nước từ chỗ khác thay thế. Nguồn nước cho các nhà máy nước sạch được bảo vệ cẩn mật, khó có tác động ngoại lai nào có thể gây ô nhiễm.
Tránh lãng phí nguồn nước
Đầu tuần qua, tại hội thảo “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cấp nguồn tự chảy bền vững, nhằm cải thiện môi trường cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, Hồ Tây và sông Tô Lịch của Thủ đô Hà Nội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Hội Cơ học Hà Nội tổ chức, một lần nữa vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho Hà Nội lại được đưa ra “mổ xẻ”.
Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội Khổng Doãn Điền thông tin: Việt Nam và Thủ đô Hà Nội có may mắn là không thiếu nước trầm trọng như một số quốc gia và thủ đô khác trên thế giới, nhưng cũng không phải là dồi dào, mà nước ta ở trong tình trạng thiếu nguồn nước ngọt, nên trong tương lai càng phải tính toán để tiết kiệm nước hơn nữa vì hiện nay chúng ta đang lãng phí rất nhiều. Với những nguồn nước như vậy, ứng xử của chúng ta thế nào, cần phải bàn thảo kỹ lưỡng sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.
Những dẫn chứng từ nghiên cứu của Hội Cơ học Hà Nội cho thấy: Từ năm 2003 đến nay vào vụ Đông Xuân mực nước sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Theo số liệu của Công ty Quản lý đường sông số 6, mực nước kiệt sông Hồng tại cầu Long Biên năm 2004 là 1,95m, năm 2008 là 0,79m, năm 2010 là 0,56m. Do mực nước sông Hồng thấp nên sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, và các con sông nội thành không có nguồn cấp đã trở thành sông “chết”, chỉ làm nhiệm vụ tiêu khi có mưa và tiêu nước thải, mùi hôi thối bốc lên gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do cao độ đáy sông Hồng tại Hà Nội bị hạ thấp dẫn đến mực nước mùa kiệt cũng bị hạ thấp từ 0,5 – 1,67m. Đặc biệt, hạ thấp nghiêm trọng trên toàn tuyến sông Đuống, trung bình từ 3 – 6m.
Đồng thời ý kiến của các đại biểu nêu những vấn đề, hiện trạng công trình, các dự án đầu tư và quy hoạch cấp nước cho các sông phía bờ hữu sông Hồng. Trong đó, gồm có 4 con sông chính là sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và Hồ Tây. Đưa ra những sáng kiến, giải pháp và nghiên cứu diễn biến lưu lượng, mực nước các sông về mùa nước cạn; đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước trên địa bàn.
Ông Hoàng Xuân Hồng – Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, đây là ý tưởng rất hay, nếu khả thi ta sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu. Theo đó, cần lợi dụng chiều cao mực nước sông Đà tại cống Lương Phú, dẫn nước tự chảy vào sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, bổ sung nước Hồ Tây để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Về tuyến công trình, sử dụng hệ thống thủy lợi đã có và kết hợp với tuyến đường giao thông theo quy hoạch sử dụng đa mục tiêu, để không phải tái định cư, giảm chi phí giải phóng mặt bằng, thi công nhanh thuận lợi.
Cải tạo môi trường, làm sạch đẹp cảnh quan đô thị, tạo dòng chảy tự nhiên trên các trục sông, để thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp. Chủ động cấp nước ổn định, bền vững cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Sử dụng nguồn nước sau phát điện nên không làm ảnh hưởng đến lợi ích của ngành điện, lượng nước lấy khoảng 60% tổng lưu lượng theo quy hoạch đã được cấp phép nên không làm thiếu hụt nguồn nước vùng hạ lưu. Hay khôi phục lại dòng chảy tự nhiên cho các sông và phương án phòng chống lũ…
Cũng có ý kiến cho rằng, lấy nước sông Đà điều tiết cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và Hồ Tây theo nhu cầu thực tế của từng tuyến sông và từng thời điểm. Cấp nước cho Hồ Tây và sông Tô Lịch. Cấp nguồn ổn định cho sông Tô Lịch và các sông nội thành duy trì dòng chảy tự nhiên…
Ông Khổng Doãn Điền thừa nhận, để bổ sung, cải thiện nguồn nước cho các sông, hồ tại Hà Nội, việc cấp nước sông Đà là một ý tưởng hay, đã hình thành từ nhiều năm trước. Với các đề xuất được đưa ra là giải pháp tổng thể, bền vững, ổn định lâu dài, tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được tận gốc cho việc tạo dòng chảy tự nhiên làm hồi sinh sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Dù vậy, nói như GS Đặng Hùng Võ thì thực tế, giải pháp an ninh nguồn nước cho đô thị đã có sẵn từ kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp. Giải pháp cho vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch của thủ đô chỉ còn là chính quyền đô thị có quyết tâm làm đúng quy chuẩn và có vận động được người dân đồng hành hay không.
GS Nguyễn Ty Niên – Nguyên cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão: Lựa chọn mục tiêu, bước đi cụ thể
Đã đến lúc chúng ta cần một tổng công trình sư để nắm lại toàn bộ các giải pháp làm hồi sinh hệ thống sông, hồ “chết” tại Hà Nội rồi chọn ra mục tiêu, bước đi cụ thể. Đây là khâu quyết định, có thể nói nghiên cứu khoa học là đóng góp theo chuyên ngành, nhưng nhìn tổng thể lại phải có một tầm công trình sư để bố trí, xem xét lại nhằm kiến nghị với thủ đô. Tôi nghĩ với riêng sông Hồng, vừa rồi Hà Nội có quy hoạch ven sông Hồng, đây là con sông không chỉ có một vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, mà còn về mặt tâm linh. Thứ hai, nên định nghĩa việc làm sống lại con sông Tích, vì từ xa xưa nó vẫn vậy, có ai làm chết nó đâu. Sông Tích bắt nguồn từ Sơn Tây, không ai động chạm, giờ ta muốn cải tạo, muốn nâng nó lên, chứ nó vẫn “sống” từ ngàn đời nay. Nhưng với con sông Đáy thì khác, quy luật thiên nhiên đã lấp lại con sông Đáy, và khi thẩm định (cách đây hơn 20 năm), tôi đã nói với Bộ Công nghiệp lúc đó là không thể thành công được. Vì đó là con sông chết mà theo quy luật người Pháp đã làm, khi nào họ thăm dò, đụng đến những dòng sông cổ thì họ ngừng lại, vì quy luật trời đất, vận động trái đất nó như vậy. Về cống Lương Phú tôi cũng rất băn khoăn vì rơi đúng vào thềm sông cổ, cho nên nghiên cứu làm sao để làm “sống lại” sông Đáy, sông Tích dẫn nước về Hà Nội là phải có giải pháp để giải tỏa đi những sai lầm của chúng ta, tôi mong các nhà khoa học có cái nhìn thực tế.
Tôi thấy giải pháp đưa nước từ sông Đà về làm hồi sinh những con sông, hồ của Hà Nội rất hay và thuận lợi, nhưng từ ý tưởng thành đồ án, từ ý tưởng thành hiện thực là cả một quá trình. Các quyết định quy hoạch đều phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học, thành quả khoa học định ra bước đi của quy hoạch. Tôi thấy hội thảo đã đưa ra nghiên cứu hết sức công phu. Nhưng chúng ta cần tranh luận để có cái nhìn thật khoa học.
PGS.TS Hà Lương Thuần – Phó Chủ tịch Hội thủy Lợi Việt Nam: Chúng ta chưa đi đến tận cùng của vấn đề
Hà Nội có một hệ thống sông ngòi dồi dào, nhưng chúng ta đã bỏ phí. Thực ra bây giờ làm thì đã quá muộn, nhưng nếu không làm thì sau này con cháu chúng ta sẽ trách. Với thế giới, rất nhiều thủ đô nằm bên sông, ngay Hà Nội trước đây cũng là như vậy. Những bài học kinh nghiệm dự án làm sống lại sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch đã từng có. Với sông Tô Lịch tới thời chống Mỹ vẫn có cảnh trên bến dưới thuyền, thế nhưng sao bây giờ sông Tô Lịch lại ô nhiễm như thế, tôi cho rằng đó là do sự thiếu kiên quyết của chính quyền. Hơn nữa chúng ta chưa đi đến tận cùng của vấn đề này. Với đề xuất trên, tôi đánh giá cao nghiên cứu, các anh đã tìm được các con sông và đã đầu tư khá công phu để có ý tưởng, đi sâu vào khoa học công nghệ, tính thích ứng của nó. Chúng ta đã động chạm vào vấn đề rất lớn, nhưng nếu chúng ta không tiếp tục đầu tư nữa thì cũng khó thành công. Mong Hội Cơ học Hà Nội có cuộc vận động nhằm nâng tầm giải pháp để nhìn toàn diện hơn, có cơ sở khoa học thì chúng ta mới có thể biến đề án thành hiện thực.
Minh Duy – Hạnh Nhân – Báo Đại Đoàn Kết
Theo Đại Đoàn Kết
Ảnh: Ô nhiễm ở điểm cuối sông Tô Lịch giao với sông Nhuệ. Ảnh: Ngọc Thành.
Xem bài viết gốc tại đây:
http://daidoanket.vn/tim-giai-phap-cuu-song-ho-ha-noi-5701904.html