Tìm cách gỡ khó khi di dời nhà trên kênh rạch

Kêu gọi đầu tư không dễ, nhiều dự án di dời nhà ven, trên kênh rạch ở TP.HCM cũng chưa được bố trí vốn ngân sách khiến công tác này nhiều năm qua ở TP liên tục gặp khó khăn.

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết chỉ có 5/14 dự án di dời nhà ven, trên kênh rạch được tiếp tục bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Nhiều dự án ngân sách thiếu vốn

“Các dự án di dời nhà ven, trên kênh rạch đang gặp khó khăn, 5/14 dự án được bố trí vốn là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước chứ năm nay chưa có dự án nào được bố trí vốn” – ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Thiện, tình trạng xây dựng lấn chiếm nhà ven kênh rạch đã trải qua quá trình lịch sử từ trước năm 1975, trước khi TP ban hành quy định quản lý hành lang an toàn bờ sông, kênh rạch trong nội đô. Đến nay, công tác di dời nhà ven, trên kênh dù được TP quan tâm và có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn khó khăn, khúc mắc.

Còn theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP về tình hình hoạt động năm 2022 của sở thì ngân sách đã ghi vốn được 1.821/2.037 tỉ đồng cho năm dự án trên. Với các dự án này, TP dự kiến sẽ hoàn tất di dời 585 căn nhà trước năm 2025.

Sở Xây dựng TP đánh giá mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị, giải quyết tiêu thoát nước chống ngập được sở đề xuất thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư nhưng so với các dự án hạ tầng, công ích khác của TP thì lại không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu.

“Hiện nay, TP đang hạn chế bố trí vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 của việc di dời nhà ven, trên kênh rạch” – báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu.

Xã hội hóa, kêu gọi đầu tư nhiều còn vướng mắc

Theo Sở Xây dựng, Luật PPP và Nghị định 35/2021 đã không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (hợp đồng BT), như vậy việc di dời nhà ven, trên kênh rạch sẽ không thực hiện theo phương thức BT như giai đoạn trước đây.

“Vì vậy, nhà đầu tư sẽ không được thanh toán bằng các mặt bằng là cơ sở nhà đất mà chỉ có thể khai thác, kinh doanh trên phần diện tích đất sau khi đã di dời nhà trên và ven kênh rạch, trong khi quỹ đất này là rất nhỏ hẹp nên càng khó khăn hơn trong việc mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án” – Sở Xây dựng nhận xét.

Theo Sở Xây dựng, hầu hết tuyến kênh rạch đều có một phần là đất công hoặc đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (cơ sở mặt bằng nhà xưởng, đất đường giao thông, mương ao nước…). “Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện nay chỉ quy định Nhà nước giao đất thông qua hình thức đấu giá đối với các trường hợp đất được thu hồi, sắp xếp lại. Trong khi chín hình thức xử lý nhà đất khi thực hiện sắp xếp lại theo Nghị định 167/2017/không quy định về hình thức đấu thầu” – sở phân tích.

Sở Xây dựng cho rằng để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chỉ có thể thực hiện được trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trao đổi với PV, ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, nói: “Tôi nghĩ chúng ta phải có chính sách để khuyến khích nhà đầu tư tham gia, làm sao để họ thấy được việc tham gia dự án có nhiều lợi ích, có thể khuyến khích bằng vấn đề lãi suất, ưu đãi tín dụng cho nhà đầu tư tham gia dự án này”.

Theo ông Mười, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong di dời nhà ven, trên kênh rạch như việc đã làm với tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhưng có thể thấy vấn đề di dời nhà ven, trên kênh rạch có rất nhiều khúc mắc cần giải quyết.

“Ví dụ như công tác thống kê xem nhà nào trên kênh, nhà nào ven kênh, lộ giới kênh ra sao, nhà nào đã có sổ hồng, nhà nào chưa để thực hiện bố trí bồi thường, tái định cư. Rồi công tác điều tra xã hội học về nhu cầu của người dân nơi đây như thế nào cũng là vấn đề cần triển khai” – ông Mười nói.

Ông Mười cho rằng sau khi điều tra xã hội học rồi chúng ta phải tái định cư cho người dân, việc tái định cư ở đâu phù hợp hay câu chuyện chỉnh trang đô thị dọc các kênh, rạch gắn với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng cần được tính đến một cách cụ thể.

Di dời 6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch

Theo chỉ tiêu đề ra, đến năm 2025, TP.HCM hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà ven và trên kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách, dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỉ đồng.

Các dự án được chia thành hai nhóm cụ thể. Nhóm 1: Di dời 3.220 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỉ đồng. Có ba dự án trong nhóm này gồm cải tạo rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình và cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh.

Nhóm 2 là di dời 3.250 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.154 tỉ đồng. Gồm 14 dự án di dời nhà ven và trên kênh rạch đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020.

Phan Cường – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Di dời nhà ven, trên kênh rạch ở TP.HCM luôn gặp khó khăn. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/tim-cach-go-kho-khi-di-doi-nha-tren-kenh-rach-post715305.html