TP.HCM cần 800.000 tỷ cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 nhưng thực tế nhiều dự án tại địa phương đang chậm tiến độ, gây lãng phí nếu điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Kẹt xe như cơm bữa là những gì người dân trải nghiệm mỗi khi đi qua khu vực cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức). Đoạn đường Đỗ Xuân Hợp tự nhiên bị “bóp cổ chai” bởi dự án cầu “trùm mền” có giá trị hơn 850 tỷ đồng. Giữa cảnh ùn tắc, lơ lửng trên đầu người dân là những thanh thép rỉ tủa ra, những cấu kiện thép nặng hàng tấn không biết có thể rơi xuống lúc nào.
“Do nhà ở gần đây nên tôi buộc phải đi qua đoạn đường này. Thực sự như cực hình. Có vài trăm mét nhưng nhiều hôm ì ạch 30 phút mới qua được. Họ xây dựng mãi không xong nên làm lô cốt chắn hết đường”, chị Phạm Linh (TP. Thủ Đức) nói.
Cầu Nam Lý khởi công từ tháng 10/2016. Cầu dài gần 450m, nếu đúng tiến độ đã phải xong từ tháng 4/2018. Nguyên nhân tiến độ chậm 4 năm qua là do việc giải phóng mặt bằng của TP. Thủ Đức quá chậm.
Cầu Nam Lý chỉ là một ví dụ điển hình khi đề cập đến câu chuyện chậm tiến độ tại TP.HCM. Trong báo cáo UBND TP.HCM mới gửi tới Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV, đối với các dự án sử dụng vốn ODA trong giai đoạn 2016-2020, TP hoàn thành 2 dự án và 7 dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 gồm có:
– Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên (JICA)
– Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, Bến Thành – Tham Luông (ADB, KfW, EIB)
– Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – kênh Đôi – Tẻ giai đoạn 2 (JICA)
– Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM – giai đoạn 2 (WB)
– Dự án Giảm thất thoát và tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước giai đoạn 2011-2015 (ADB)
– Dự án Đầu tư xây dựng “Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM” (ADB)
– Dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM (WB)
Công trường Dự án cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức) dở dang, nằm giữa đường Đỗ Xuân Hợp (ảnh: Trần Chung)
Các cấu kiện sắt thép nặng hàng tấn của cầu Nam Lý lơ lửng trên đầu người đi đường (ảnh: Trần Chung)
Báo cáo nêu, các dự án ODA thực hiện chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 phù hợp các quyết định phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn kéo dài chủ yếu do các nguyên nhân: công tác đầu thầu lựa chọn nhà thầu của một số gói thầu kéo dài; bồi thường, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc; thủ tục, quy định phức tạp và mất nhiều thời gian để hoàn tất công tác điều chỉnh dự án, Hiệp định vay của Dự án ODA.
Trong khi đó, đối với các dự án PPP (dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư), có 6 dự án đã đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn 2016-2020 nhưng cũng có tới 10 dự án chưa hoàn thành và phải chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025.
Các dự án trên bị kéo dài hoặc phải tạm dừng, hủy bỏ, được lý giải gồm 3 nguyên nhân chính: bàn giao mặt bằng chậm, thủ tục hành chính phức tạp và chậm giải ngân nguồn vốn vay tái cấp vốn.
Bên cạnh đó, tình hình giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn TP.HCM cũng có dấu hiệu ì ạch. Trong khi TP đang sử dụng ngân sách như vốn mồi để thu hút nguồn lực từ xã hội, một đồng ngân sách thu hút được khoảng 10 đồng từ xã hội thì kho bạc nhà nước giải ngân lại không thấy thực tế trên công trường.
Giám đốc Kho bạc nhà nước TP.HCM – ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, kế hoạch vốn năm 2022 là 33.000 tỷ đồng (lấy số tròn), trong đó, 29.000 tỷ thuộc nguồn vốn ngân sách TP; 1.700 tỷ vốn ngân sách Trung ương; 1.900 tỷ vốn của năm 2021 chưa sử dụng hết kéo dài sang.
Tuy nhiên, tính đến ngày 25/4, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trên mới được 8%, tương đương chỉ đạt khoảng 2.800 tỷ. Đây là tỷ lệ giải ngân rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Dấu hiệu kinh tế phục hồi và bắt đầu đi lên tại TP.HCM nhưng giải ngân vốn đầu tư chiều hướng ngược lại, nhiều đơn vị giải ngân không được. Cụ thể, trong tổng số 75 đơn vị chủ đầu tư được giao kế hoạch giải ngân vốn thì có 60 đơn vị giải ngân chưa đạt đến 8% (mức bình quân). Trong 60 đơn vị này lại có49 đơn vị giải ngân vốn đầu tư công bằng 0.
Tốc độ triển khai các dự án thì chậm nhưng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tổng nhu cầu ước chừng của TP khoảng 800.000 tỷ đồng, theo Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM Trần Anh Tuấn.
Vốn ngân sách TƯ giao chỉ có 142.000 tỷ, đây là con số thiếu là rất lớn. Đại diện Sở KH-ĐT cho hay, TP sẽ vận dụng mọi hình thức từ cổ phần hóa, khai thác quỹ đất để bán đấu giá quyền sử dụng đất rồi các giải pháp thu hút các nguồn lực trong xã hội để giải quyết nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025.
“Nguồn lực cần lớn nhưng nguồn lực thực chi cho đầu tư rất khiếm tốn. Do đó, TP.HCM đang sắp xếp thứ tự ưu tiên của các công trình, dự án đầu tư”, ông Tuấn nói.
Trần Chung – Báo VietnamNet
Theo VietnamNet
Xem bài viết gốc tại đây: