Theo quy định của Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản của người chết để lại bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Câu hỏi: Bố tôi mất, tuy nhiên số tiền phúng viếng của những người tham gia lo ma chay cho bố tôi thì gia đình tôi không biết phân chia như thế nào? Cho tôi hỏi, theo quy định của pháp luật thì số tiền phúng viếng sẽ thuộc quyền sở hữu cho ai, đấy có phải di sản thừa kế của bố tôi không?
Luật sư trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo quy định của Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì di sản của người chết để lại bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Và thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Do đó, tiền phúng viếng đám ma không phải là di sản của chết để lại, nó phát sinh sau khi người để lại di chúc chết. Tuy nhiên, gia đình bạn có thể tự thoả thuận với nhau để sử dụng số tiền phúng viếng đó để chi trả vào các chi phí tổ chức đám tang, nếu vẫn còn thừa thì gia đình có thể cùng nhau thoả thuận phân chia, quyết định.
Đối với trường hợp có xảy ra mẫu thuẫn, không đồng nhất ý kiến, tranh chấp thì tập quán địa phương sẽ là căn cứ để áp dụng (nếu có). Cụ thể, Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 5. Áp dụng tập quán
- Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.”
Như vậy, trường hợp các bên không thoả thuận được và pháp luật không quy định về số tiền phúng viếng thì tập quán ở địa phương sẽ là căn cứ để giải quyết, bởi lẽ tập quán là những quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được đông đảo mọi người thừa nhận và áp dụng rộng dãi trong cộng đồng.
Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.
Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline KĐT Văn Quán, P.Văn Quán, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội
Hotline: 0961.272.396
Email: Haiminhlawfirm@gmail.com