Tiền nước một số khách hàng ở Đà Nẵng tăng vọt là do xì, vỡ đường ống?

Nhiều khách hàng tại thành phố Đà Nẵng phàn nàn, hóa đơn tiền sử dụng nước trong tháng 4 và tháng 5 tăng đột biến so với các tháng trước đó.

Thậm chí một số cơ sở kinh doanh dịch vụ đóng cửa, hoạt động cầm chừng để phòng chống dịch Covid-19 nhưng tiền nước vẫn nhảy vọt. Vì sao có hiện tượng này?

Bức xúc vì tiền sử dụng nước tăng bất thường, nhiều khách hàng đã đăng lên trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi- Xanh- Sạch- Đẹp” và phản ánh tới đường dây nóng của Công ty Cổ phần Cấp nước thành phố Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Mộng Loan, trú tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ bất ngờ khi thấy hóa đơn tiền nước của gia đình tăng vọt lên gấp nhiều lần so với các tháng trước. Bình thường, mỗi tháng, gia đình chị Loan chỉ trả khoảng 500.000 đồng tiền nước, nhưng tháng 5 bất ngờ tăng vọt lên 9 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mộng Loan cho biết, gia đình đã tự kiểm tra và báo cho Công ty Cấp nước Đà Nẵng nhưng vẫn không xác định nguyên nhân vì sao?

“Bình thường, mỗi tháng gia đình tôi trả khoảng 500.000 tiền sử dụng nước nhưng tháng vừa rồi tăng vọt lên 9 triệu. Bình quân cỡ 100m3 nước mà tăng lên 700m3 nước nên tôi thấy phi lý. Bên công ty cấp nước chưa có sự giải thích rõ cụ thể nguyên nhân chính đáng”, chị Loan nói.

Đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tiếp nhận 127 khách hàng phản ánh hóa đơn tiền nước tăng bất thường trong tháng 4 và 5 vừa rồi. Công ty đã tiến hành kiểm tra, xác minh và hướng dẫn 82 trường hợp xin giảm tiền sử dụng nước do tăng vọt bất thường.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước thành phố Đà Nẵng khẳng định, hiện nay đơn vị đang áp dụng giá thu tiền nước do thành phố quy định từ năm 2014 nên không có có chuyện tăng giá nước. Qua kiểm tra xác định có 2 nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố, vỡ, xì đường ống?

Cũng theo ông Hương, chuyện xì, vỡ đường ống xảy ra bình thường hàng tháng, mỗi lần xảy ra sự cố, đơn vị cử nhân viên xử lý kịp thời. Tuy nhiên, do trong tháng 4 thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 nên đơn vị không kiểm tra xử lý kịp thời.

Nguyên nhân thứ hai cũng do thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4, nhân viên không thể đọc chỉ số đồng hồ để tính hóa đơn. Để có số liệu phát hành hóa đơn tiền nước tháng 4, tránh tình trạng dồn số, công ty đã tạm tính bằng cách lấy chỉ số dùng nước tháng 3 để tính cho tháng 4. Trong tháng 4 thực hiện giãn cách xã hội, thời gian ở nhà nên việc sử dụng nước nhiều hơn so với số liệu tạm tính. Vì vậy, phần tiền nước sử dụng vượt trong tháng 4 lại được cộng dồn trong tháng 5 dẫn đến tiền nước tháng 5 tăng lên.

Ông Hồ Hương cho biết, đối với các trường hợp sản lượng tăng đột biến quá cao, công ty đề nghị khách hàng chủ động kiểm tra lại đồng hồ nước và các hệ thống đường ống sau đồng hồ xem có sự cố xì vỡ ống hoặc các nguyên nhân khác.

“Tiền nước sử dụng tăng do xì vỡ đường ống. Nguyên nhân chính là vậy. Nếu kiểm tra từng tháng một là mình thấy mình báo là họ tự kiểm tra, còn năm nay tháng 4 mình không đi như vậy sự cố trong 2 tháng dẫn đến lượng thất thoát lớn. Đây là rủi ro của khách hàng. Chúng tôi chia sẻ rủi ro của khách hàng, một số khách hàng sẽ tính giá bằng cách qui về bậc thang 1 để tính cho họ đỡ thiệt hại”, ông Hương cho biết thêm.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Theo VOV.VN

Ảnh: Tình trạng thiếu nước ở Đà Nẵng diễn ra vào mùa hè năm 2019.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/tien-nuoc-mot-so-khach-hang-o-da-nang-tang-vot-la-do-xi-vo-duong-ong-1048662.vov