Tiền Giang: Công trình ngăn mặn hàng chục tỷ đồng nguy cơ thành ‘trữ mặn’

Công trình đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt có trị giá hàng chục tỷ đồng trên kênh Nguyễn Tấn Thành đang có nguy cơ biến công trình ‘trữ mặn’.

Theo phản ánh, vào ngày 20/02, UBND tỉnh Tiền Giang vừa làm lễ hợp long công trình đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Công trình này nhằm phục vụ bơm nước ngọt bổ cấp nguồn nước cho nhà máy nước Đồng Tâm và Công ty TNHH MTV Cấp nước sinh hoạt Tiền Giang xử lí, phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 800.000 người dân thành phố Mỹ Tho, các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công. Đồng thời cung cấp một phần nước ngọt cho nhà máy nước ở Rạch Gốc, tỉnh Long An.

Theo tìm hiểu, đây là đập thép “dã chiến” có quy mô bề mặt rộng 76m, lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến thời điểm này đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành phía trong đập thép vừa hợp long hơn 5 km (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) bị nhiễm mặn với độ mặn trên 2‰.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết, độ mặn này không thể sử dụng cho sinh hoạt cũng như sản xuất. Hiện nay, chủ trương của tỉnh là tháo túi nước mặn này bằng việc cho xả nước qua cống Bảo Định( TP Mỹ Tho) với thời gian xả nước là 4 ngày.

Đoạn kênh Nguyễn Tấn Thành bị nhiễm mặn 2‰

Trao đổi với phóng viên nguyên nhân vì sao đắp kênh Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn lại “trữ mặn”, ông Trần Hoàng Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Bê tông Ticco – đơn vị thi công công trình này cho biết, khi hợp long đập thép ngăn mặn, đơn vị thi công lựa chọn thời điểm nước ròng (nước từ kênh Nguyễn Tấn Thành chảy ra sông Tiền – PV). Tuy nhiên, do công trình lớn, phức tạp thời gian hoàn thành để hợp long kéo dài nên nước mặn tràn vào bên trong. Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công ty tiếp tục đắp một số cống, đập phía trong như: kênh Hai, kênh Ba… để tháo túi mặn này ra ngoài.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và người dân huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho rằng UBND tỉnh cần sớm có biện pháp khả thi, sớm khắc phục tình trạng nước mặn còn nằm trong kênh Nguyễn Tấn Thành. Vì công trình đắp đập ngăn kênh, đóng kín các cống ở khu vực này tốn hao nguồn kinh phí nhà nước rất lớn và gây bế tắc giao thông thủy cũng như việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang- Long An)

Đây là công trình nhằm phục vụ bơm nước ngọt bổ cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2020, được xem là một trong những giải pháp chiến lược chống hạn mặn của tỉnh, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Thành Nhớ – Báo CL&XH

Theo Công lý & Xã hội

Ảnh: Công trình đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành

Xem bài viết gốc tại đây:

https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/tien-giang-cong-trinh-ngan-man-hang-chuc-ty-dong-nguy-co-thanh-tru-man-37439.html