Thủy lợi giữ vững vai trò hỗ trợ ngành nông nghiệp và phòng chống thiên tai

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang quan tâm, chỉnh trang và đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp,góp phần phòng chống thiên tai (PCTT).

Hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi

Thời gian qua, hệ thống thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ nông nghiệp, tích trữ và điều tiết nguồn nước hợp lý, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Mạnh Huy, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh, cho biết: Hiện, địa phương có hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu tổng thể cho trên 83% diện tích tưới, Quảng Ninh cũng là một trong số ít tỉnh của cả nước chủ động được nguồn nước tưới, đảm bảo nguồn nước cấp cho sản xuất công nghiệp và dân sinh, tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 92,2% lên 98,7% trong giai đoạn 2013-2020.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương và 03 công ty thủy lợi của tỉnh thường xuyên duy trì sửa chữa các hồ, đập, hệ thống kênh mương dẫn nước nhằm đảm bảo an toàn và chống thất thoát nước trong quá trình vận hành.

“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương, HTX nông nghiệp trên địa bàn thực hiện tưới đúng, đủ, tiết kiệm nguồn nước, ưu tiên nước cho những vùng cây trồng cần nhiều nước tưới…”.

Hệ thống thủy lợi tốt giúp ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh phát triển, nhìn chung các giống cây trồng thử nghiệm phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 183 hồ với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3. Năng lực thiết kế tưới 33.102 ha; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3; Cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000 ha, (trong đó: Hồ chứa nước lớn:12 hồ có dung tích từ 3 triệu m 3 trở lên, hồ chứa nước vừa: 44 hồ có dung tích từ 500 nghìn m 3 đến dưới 3 triệu m3, hồ chứa nước nhỏ: 127 hồ có dung tích nhỏ hơn 500 nghìn m3).

Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai

Trước tình hình thiên tai có diễn biến bất thường và ngày càng khốc liệt, để có thêm nguồn kinh phí ngoài ngân sách cho việc ứng phó, khắc phục hậu quả, ngày 17/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/201/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ PCTT.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, Quảng Ninh luôn là một trong những địa phương có kết quả thu đạt cao và đưa được nhiều công trình phục vụ cho công tác PCTT vào hoạt động.

Trong 5 năm nâng cao năng lực PCTT, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Toàn tỉnh đã đầu tư được 73,3 km đê biển, 21,3 km kè, và 34 cống tiêu dưới đê thuộc chương trình nâng cấp đê biển nhằm bảo vệ 162,8 nghìn người và 26 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Đã xây mới 5 hồ chứa nước, nâng cấp, sửa chữa 79 hồ chứa nước và xây mới nâng cấp, sửa chữa 22 trạm bơm tiêu.

Hệ thống công trình thủy lợi được nâng cấp nhằm đáp ứng công tác phòng chống thiên tai và thích ứng với điều kiện biến đổi khi hậu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tập trung đầu tư các công trình thoát nước, nạo vét, mở rộng hệ thống thoát nước, nâng công suất trạm bơn tiêu; thực hiện các giải pháp xử lý tiêu thoát nước chống ngập úng ở các khu dân cư tập trung, vùng thấp, vùng trũng.

Tuyến đê Quan Lạn (Vân Đồn) thực hiện tốt vai trò PCTT mùa mưa, bão. Ảnh: CCTL tỉnh Quảng Ninh.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt thời điểm mùa mưa bão, việc chuẩn bị để ứng phó sớm đang được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện.

Trong đó, đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi là một trong những nội dung trọng tâm được đẩy mạnh triển khai.

Đơn cử, tại tuyến đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) có chiều dài trên 7,5 km hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 1/2020 đã mang lại sự yên tâm cho người dân nơi đây.

Dự án này do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư, là tuyến đê thuộc công trình đê điều cấp 5 của tỉnh. Công trình đưa vào vận hành với các hạng mục: Tường chắn sóng bằng bê tông cốt thép; phía ngoài gia cố bằng lăng thể đá hộc xếp chèn chặt, mặt rộng 1m, dày 0,6m. Bên cạnh đó, dọc tuyến đê có 10 cống tiêu thoát nước giúp người dân lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và tiêu thoát nước khi mưa ngập úng.

Ngoài tuyến đê, Sở NN-PTNT chỉ đạo trồng mới 26,8ha rừng ngập mặn, cân bằng môi trường sinh thái, ngăn sóng to, ngăn xâm thực mặn gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Để đảm bảo an toàn cho các địa phương trong mùa mưa bão, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các công ty thủy lợi trên địa bàn đảm bảo các điều kiện về an toàn hồ đập; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tiến hành khảo sát, đo đạc và xây dựng quy trình vận hành điều tiết một cách cụ thể.

Đến nay, 5/5 hồ có cửa van điều tiết là: Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh, Chúc Bài Sơn, Khe Cát đều đã được phê duyệt quy trình vận hành điều tiết; 4 hồ đã được lập phương án xả lũ vùng hạ du gồm: Cao Vân, Đầm Hà Động, Khe Chè và Yên Lập.

Riêng tại các hồ Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động phục vụ vận hành theo thời gian thực của hồ chứa.

Đ.Bắc – Báo Nông Nghiệp

Theo Nông Nghiệp

Ảnh: Đập dâng và hệ thống kênh tưới Nà Lỳ tại thôn Nà Ếch, xã Húc Động (Bình Liêu) khi mới được đầu tư, xây dựng vào năm 2018. Ảnh: CCTL tỉnh Quảng Ninh.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nongnghiep.vn/thuy-loi-giu-vung-vai-tro-ho-tro-nganh-nong-nghiep-va-phong-chong-thien-tai-d264637.html