Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học được xem là một lựa chọn phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ‘xanh’ và bền vững.
Nông nghiệp bền vững là vừa phải quan tâm đến việc tăng năng suất, sản lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, vừa phải giảm thiểu ảnh hưởng của những yếu tố bất lợi đối với sức khỏe con người, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học được Việt Nam và các nước ưu tiên lựa chọn.
Trên thế giới
Theo nghiên cứu thị trường của Fortune Business Insights Pvt.Ltd (Ấn Độ), trong thời gian từ năm 2014 – 2017, tốc độ tăng trưởng của thuốc BVTV sinh học trung bình hàng năm là 24%. Năm 2017, thuốc BVTV sinh học đạt giá trị 3,36 tỷ USD, dự báo sẽ đạt 6,42 tỷ vào năm 2023 và 10,19 tỷ USD vào năm 2025.
Tổ chức chuyên nghiên cứu về thị trường các vật tư nông nghiệp thế giới Markets and Markets đưa ra phân tích và dự báo: Trong giai đoạn 2020 – 2025, thị phần toàn cầu các chế phẩm thuộc nhóm thuốc trừ sâu vi sinh vật Macrobials tăng trưởng 15,8%, giá trị đạt 2,2 tỷ USD (năm 2020) và ước đạt 4,6 tỷ USD (năm 2025).
Thuốc trừ bệnh sinh học sẽ đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo đạt 3,4 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng trong giai đoạn 2020 – 2025 đạt 16,1%. Thuốc diệt cỏ sinh học đạt 1,6 tỷ USD (năm 2020), dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 14,5%.
Ở khu vực Bắc Mỹ, dự báo thị phần thuốc BVTV sinh học sẽ tăng liên tục trong giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2025 sẽ chiếm thị phần lớn nhất thế giới. Khu vực Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương cũng được dự báo là những thị trường hấp dẫn nhờ triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới…
Tại Việt Nam
Theo báo cáo tổng kết của 10 nước ASEAN vào năm 2016, Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học đã đăng ký và sử dụng. Theo số liệu của Cục BVTV, thị trường thuốc BVTV sinh học của Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 30,7 triệu USD và dự kiến đạt 65,7 triệu USD vào năm 2024, với mức tăng trưởng trên 16,4%/năm.
Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hàng năm vào Việt Nam khoảng trên 15.000 tấn, chiếm 15% tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 16.100 tấn thuốc BVTV sinh học (khoảng 50,8 triệu USD) chiếm 17% khối lượng thuốc BVTV nhập khẩu. Tuy nhiên, các loại thuốc BVTV sinh học có thành phần hữu hiệu là các vi sinh vật thì hầu hết được sản xuất trong nước, chủ yếu là do viện nghiên cứu, trường đại học và một số công ty chuyên kinh doanh các thuốc sinh học sản xuất và phân phối.
Hiện nay, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, nghị định và các thông tư hướng dẫn về việc khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Bên cạnh đó, các thuốc BVTV sinh học được khuyến khích đăng ký trên tất cả các loại cây trồng, giảm số lượng khảo nghiệm hiệu lực sinh học, khảo nghiệm xác định thời gian cách ly. Hồ sơ, tài liệu kỹ thuật, chi phí đăng ký và thời gian thực hiện đều được giảm hơn rất nhiều so với các loại thuốc BVTV hóa học. Ngoài ra, theo quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, thì các thuốc BVTV sinh học đã được miễn giảm thủ tục cấp giấy phép vận chuyển.
Tính đến tháng 6/2020, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam ban hành kèm theo thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ NN-PTNT đã có hơn 1.000 hoạt chất với hơn 4.000 tên thương phẩm. Trong đó, thuốc BVTV sinh học có 231 hoạt chất với 721 tên thương phẩm, chiếm 18% tổng các thuốc BVTV trong danh mục.
Bên cạnh việc nhập khẩu, theo số liệu của Cục BVTV, hàng năm các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xuất khẩu thuốc BVTV sinh học tới 9 quốc gia. Khối lương xuất khẩu năm 2019 đạt 930 tấn (chiếm 8% lượng thuốc BVTV xuất khẩu). Các thị trường có thị phần nhập khẩu lớn thuốc BVTV sinh học của Việt Nam là Đài Loan (155 tấn), Campuchia (360 tấn), Nhật Bản (70 tấn), Singapore (36 tấn), Lào (63 tấn), Myanmar (50 tấn), Trung Quốc và các nước khác.
Hiện nay, tổng số sinh vật gây hại đã được báo cáo là 751 loài trên 284 loại cây trồng khác nhau. Trong đó thuốc BVTV sinh học đã đăng ký phòng trừ 492 sinh vật gây hại trên 190 loại cây trồng (chiếm 65,11% so với tổng số sinh vật gây hại trong danh mục). Đã có hơn 250 tổ chức, cá nhân tiến hành đăng ký thuốc BVTV sinh học với 1 tên hoặc nhiều tên thương phẩm trên các đối tượng cây trồng chính như cây lúa, rau và cây ăn quả.
Tuy vậy, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký tại Việt Nam gia tăng rất nhanh kể từ năm 2000, nhưng đa phần vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Nhiều loại hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn thuốc BVTV hóa học. Giá bán sản phẩm cao, khó cạnh tranh được với các sản phẩm hóa học khác. Quy trình đóng gói thuốc nhập khẩu có khả năng lẫn tạp, chưa rõ ràng, nhất là hỗn hợp giữa các loại với nhau. Việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Một số phương pháp để xác định hàm lượng cụ thể đối với các loài vi sinh vật đặc thù, các loại thuốc BVTV chiết xuất từ thảo mộc còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng. Do vậy, việc nhập khẩu, sản xuất và hợp quy các sản phẩm thuốc BVTV sinh học gặp nhiều khó khăn.
Bắc Lãm (T/H)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nông nghiệp bền vững phải quan tâm đến tăng năng suất nông sản và bảo đảm sức khỏe con người, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: ITN