Thực trạng phân loại rác tại nguồn và công nghệ tái chế rác thải tại Việt Nam

Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp.

1. Tổng quan về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị Việt Nam

1.1. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh

Theo “Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia 2016-2020” do Bộ  Tài nguyên  & Môi trường công bố cuối năm 2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước, trung bình 64.658 tấn/ngày.

Lượng CTRSH ước tính ở các đô thị tăng trung bình 10-16%/năm (với tổng khối lượng phát sinh 35.624 tấn/ngày, hơn 13 triệu tấn/năm, chiếm tới 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh của cả nước). Cũng theo kết quả thống kê giai đoạn 2016-2019, tốc  độ thu gom và xử lý CTRSH đô thị tăng trung bình 2%/năm, phần lớn chỉ được xử lý bằng hình thức chôn lấp thô sơ.

Tăng trưởng kinh tế phần nào thay đổi phương cách tiêu dùng của xã hội, từ đây dẫn tới sự thay đổi trong khối lượng và thành phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Các nhà quản lý đã nhận biết sự xuất hiện nhiều thành phần chất thải rắn độc hại và khó phân hủy trong chất thải rắn sinh hoạt đô thị Việt Nam.

tm-img-alt

Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019 
Chuyên đề: Chất thải rắn. Bộ Tài nguyên và Môi trường 2019

1.2. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị của một số thành phố Việt Nam

tm-img-alt

1.3. Thành phần, tính chất của chất thải rắn sinh hoạt đô thị

1. Chất hữu cơ: Lấy mẫu, nung ở 950oC. Phần bay hơi là chất hữu cơ hay còn gọi là tổn thất khi nung, thường khoảng 40 – 60%, trung bình 53%.

2. Chất tro: Phần còn lại sau khi nung – là chất trơ dư hay chất vô cơ.

3. Hàm lượng cacbon cố định: là lượng cacbon còn lại sau khi loại các chất vô cơ không phải là cacbon trong tro, thường khoảng 5 – 12%, trung bình 7%.

Các chất vô cơ khác trong tro gồm thủy tinh, kim loại… trung bình là 20%.

4. Nhiệt trị: Giá trị nhiệt tạo thành khi đốt CTR, phụ thuộc độ ẩm và các thành phần cháy được, không cháy được của rác

Giá trị này được xác định theo công thức Dulông:

Q = 2,326 [145C + 610(H2 – 1/8O2) + 40S + 10N] (kJ/kg)

Trong đó: C : Lượng cacbon tính theo %

H2: Lượng Hydro tính theo %

O2: Lượng Oxi tính theo % 

S: Lượng Sunfua tính theo %

N: Lượng nito tính theo %

5. Độ ẩm của rác: Đối với rác thải VN khoảng 55 đếm 70 %

Qua phân tích cho thấy thành phần, tính chất, khối lượng của chất thải rắn sinh hoạt đô thị phụ thuộc vào các yếu tố:

  1. Quy mô đô thị (xem QCVN  01:2022/BXD)
  2. Điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, khí hậu  …)
  3. Điều kiện kinh tế – kỹ thuật (mức sống của mỗi đô thị)
  4. Phong tục tập quán …

Các yếu tố trên đây lại thay đổi theo thời gian, nên qua từng thời kỳ cần phải cập nhật lại. Một thực tế chứng minh các đánh giá trên đây là hoàn toàn phù hợp như khi kinh tế phát triển thì thành phần chất thải nhựa gia tăng, giảm thành phần hữu cơ làm tăng thành phần cháy được (gia tăng nhiệt trị của rác) dẫn đến gia tăng hiệu quả của công nghệ điện rác và ngược lại một số công nghệ khác như sản xuất phân vi sinh sẽ kém hiệu quả, sẽ không còn phù hợp trong tương lai (giảm khối lượng hữu cơ có thể sản xuất phân).

Bảng thành phần tính chất chất thải rắn sinh hoạt của một số đô thị Việt Nam

tm-img-alt
tm-img-alt
(Nguồn: Ngân hàng thế giới 2018)

2. Thực Trạng Công Tác Phân Loại Rác Tại Nguồn Tại Các Tỉnh, Thành Phố Việt Nam

2.1. Các dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm. Theo số liệu ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60.000 tấn, tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường (không thu hồi năng lượng). Gần đây đã có một số nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng hay còn gọi là nhà máy điện rác như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ …. Tuy nhiên so với khối lượng rác phát sinh toàn quốc thì con số này rất không đáng kể.

tm-img-alt
Nhà máy Điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày (tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn). Ảnh ITN

 

Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) nhằm tách rác có giá trị tái chế tại nguồn, góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp. Thế nhưng hiện tại, các chương trình PLRTN ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Các giải pháp hiện nay mới chỉ mang tính phong trào, chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế.

Cách đây 15 năm, Hà Nội cũng đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án bốn triệu USD được triển khai thí điểm trên tại bốn phường của nội thành Hà Nội gồm Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ.

Từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình được huấn luyện cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì.

Nguyên nhân là bởi chúng ta chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng  bộ. Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và rác hữu cơ, trong đó một phần  rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm…

TP Hồ Chí Minh đã triển khai phân loại CTRSH tại nguồn thí điểm từ những 2002 với lộ trình từng bước rõ ràng. Nếu năm 2017, mỗi quận/huyện thực hiện ít nhất  tại một phường/xã/ thị trấn thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3-5 và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố. Thế nhưng, kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân: các hộ gia đình/chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai chưa đồng bộ; thành phố mới dừng lại ở tuyên truyền, vận động là chính và chưa kiểm tra, xử phạt

Một số tỉnh, thành phố khác cũng có các dự án tương tự như: Hưng Yên (2012- 2014), Bắc Ninh (2014), Lào Cai (2016), Bình Dương (2017-2018), Đồng Nai (2016- 2018), Đà Nẵng (2017), Hà Tĩnh (2019)… tuy vậy, hiệu quả thu về khá khiêm tốn.

Nguyên nhân là do “CTRSH tái chế thường được các hộ gia đình, người đi thu gom ve chai nhặt và bán trước khi đơn vị cung ứng dịch vụ có thể thu hồi; thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với CTRSH được phân loại; nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả CTRSH được thu gom; kinh phí thực hiện cho phân loại CTRSH tại nguồn cao; chưa nhận được sự hưởng ứng của chính quyền địa phương và thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại CTRSH tại nguồn”.

2.2. Những khó khăn thách thức trong công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Thực tế các dự án phân loại rác thại sinh hoạt tại nguồn của một số tỉnh, thành phố chưa thành công (nếu không muốn nói là thất bại) trong việc nhân rộng và triển khai đại trà vì các lý do sau đây:

– Ý thức về PLRTN của dân cư đô thị có thể là chưa cao, chưa nhận thức được lợi ích to lớn về phân loại rác tại nguồn mang lại. Nhưng làm thế nào để người dân dễ dàng thống nhất thực hiện lại là trách nhiệm của chính quyền. Tham khảo ý kiến từ rất nhiều gia đình, họ đều có ý thức phân loại rác, nộp phí vệ sinh nhưng luôn đòi hỏi phải kèm theo quy định rõ ràng. Nếu chính quyền có cách tổ chức tốt, người dân sẽ ủng hộ.

– Luật quy định chất thải rắn phải phân loại để tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm nên ủ để làm phân bón…

Vậy cái nào là chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng, cái nào là chất thải thực phẩm? Nếu không có hướng dẫn chi tiết các loại chất thải dễ dẫn đến tranh cãi. Hướng dẫn cụ thể hơn là gì? Nếu suy từ Luật và Nghị định ra, có rất nhiều chi tiết cần làm rõ: Giá xác định đối với chủ nguồn thải được tính theo khối lượng và thể tích ra sao? Túi  để đo thể tích và công cụ để xác định cân nặng thế nào? Tài chính để trang bị túi, thùng phân loại ở đâu? Phụ cấp cho lực lượng tuyên truyền, lực lượng giám sát là từ nguồn nào? Không gian cho các điểm đặt thùng thu gom, trung chuyển?

– Quy định công nhân môi trường được từ chối thu gom nếu người dân không phân loại rác tại nguồn cũng phải có hướng dẫn. Phân loại, thu gom như thế nào, nếu không hợp tác thì bị phạt ra sao? Việc này còn phải tuyên truyền, vận động để người  dân hiểu rõ, phối hợp thực hiện chứ không chỉ áp dụng mức phạt tiền là xong.

– Phí thu gom rác hiện do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tự quyết định. Thí dụ như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức phí thu gom 6 nghìn đồng/người/tháng, đối tượng xả nhiều hay ít cũng trả chừng ấy tiền. Số này chỉ đủ cho việc thu gom từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển. Còn vận chuyển và xử lý rác sau đó hoàn toàn do Nhà nước chi trả. Như vậy, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền mà Luật Bảo vệ môi trường quy định chưa được áp dụng trong xử lý rác thải hiện nay.

– Muốn PLRTN cần có các loại túi rác phù hợp, mầu sắc và kích thước của túi rác cũng cần quy định cụ thể để phân loại thuận tiện. Hiện nay có một số thiết bị có thể cân được rác bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, chỉ quẹt thẻ là máy tự động cân, hiện lên số lượng trừ tiền vào thẻ.

Nhưng ở Việt Nam chưa thể áp dụng được, nên phổ biến là sử dụng các túi rác có dung tích xê dịch từ 3-5 đến 10 lít… Người dân dùng các túi ấy để phân loại rác và chuyển về nơi xử lý. Như vậy, họ đã trả đầy đủ các loại phí: phí túi, phí thu gom, phí vận chuyển và phí xử lý rác

Lâu nay, có một số ý kiến cho rằng, người phân loại cứ phân thành 2, 3; cơ sở  thu gom lại dồn thành 1. Điều này có nhưng do khách quan đưa lại. Bởi nếu không dồn chung xe thì 3 loại rác phải có 3 loại xe chuyên chở khác nhau, gây áp lực cho giao thông.

Còn tích hợp loại xe 3 trong 1 cũng phải có thời gian chuẩn bị và kinh phí đầu  tư, và quan trọng, đơn vị thu gom cũng chờ thông tư hướng dẫn chung và hướng dẫn  của địa phương để triển khai. Khi chưa có hướng dẫn, sẽ rất khó cho việc “chuyển mình” từ phía đơn vị thu gom.

– Cần thay đổi cả trong cách thực thi, như với hình thức đấu thầu thu gom rác, người dân có quyền yêu cầu công khai, minh bạch số tiền phí thu được từ họ sẽ dùng vào việc gì, cụ thể bao nhiêu?

Tóm lại:  Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải; công tác triển khai các quy hoạch quản lý CTR tại các địa phương còn chậm; việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý CTR còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc đánh giá tình hình quản lý CTRSH tại Việt Nam hiện nay, nhất là việc phân loại chất thải tại nguồn, công nghệ xử lý, tái chế, việc thu  phí CTRSH là hết sức cần thiết theo đúng tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

PLRTN là biểu hiện của nền kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn sẽ tiến tới “không rác thải”. Chúng ta có thể xử lý, tái chế được tất cả các loại rác. Nhưng muốn thế phải có công nghệ, phải PLRTN. Nếu phân loại rác tốt sẽ hạn chế chôn lấp, đốt rác gây ra nhiều hệ lụy môi trường.

2.3. Một số kinh nghiệm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản: Trước hết, về mặt kỹ thuật công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cần:

– Phân ra theo địa bàn: Đô thị, Vùng ven đô và Nông thôn

Phân chia theo địa bàn để phù hợp với thành phần, tính chất của rác thải để lựa chọn phương thức phân loại, phù hợp với mật độ dân cư tức là lượng rác thải phát sinh để bố trí phương tiện thu gom, vận chuyển, công nghệ xử lý.

– Xác định phương thức thu gom,

– Trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với từng loại chất thải rắn

Về phương thức thu gom đối với từng loại chất thải, bao gồm:

+ Chất thải thực phẩm: Tổ chức địa điểm thu gom riêng (theo nhóm các cơ sở nhà hàng ăn uống và hộ gia đình)

+ Chất thải tái chế: Tổ chức địa điểm thu gom kết hợp

+ Chất thải cồng kềnh: Tổ chức thu gom theo yêu cầu (chủ nguồn thải phải báo cho đơn vị thu gom về chủng loại chất thải và kích thước)

+ Chất thải nguy hại (có trong chất thải rắn sinh hoạt): Tổ chức thu gom tại các địa điểm thu gom riêng hoặc kết hợp

+ Chất thải còn lại: Thu gom trực tiếp tại cửa

Về trách nhiệm của các cấp chính quyền:

+ Lập kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn có áp dụng thu giá dịch vụ theo lượng thải. Bố trí các điểm thu gom kết hợp trên địa bàn

+ Xây dựng hệ thống đăng ký/ giám sát đối với các nhóm cộng đồng/ cơ sở kinh doanh (quy trình và nội dung đăng ký thực hiện, các hoạt động giám sát bao gồm các thông tin như: khối lượng chất thải giảm thiểu, hình thức hỗ trợ, khuyến khích các nhóm, thời hạn đăng ký)

+Tập huấn các cán bộ nòng cốt để chỉ đạo thực hiện của các nhóm cộng đồng/ cơ sở kinh doanh xác định

+ Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện của các chủ thải lớn (Giám sát kế hoạch Giảm thải của các chủ thải lớn và xây dựng Hồ sơ quản lý chất thải rắn, kiểm tra việc thực hiện tại các cơ sở kinh doanh)

+ Xây dựng hệ thống thu gom chất thải cồng kềnh trên địa bàn (Thu và sửa chữa đồ nội thất …)

+ Xây dựng hệ thống thu gom chất thải còn lại cần xử lý

+ Điều chỉnh nội dung hợp đồng đối với các nhà thầu thu gom và vận chuyển chất thải trên địa bàn

+ Bố trí nguồn ngân sách cho các hoạt động

Kiến nghị áp dụng hệ thống thu phí theo lượng thải (PAYT – PAY AS YOU THROW)

Đặc trưng cơ bản của hệ thống thu phí này là:

– Chi trả theo lượng chất thải ra

– Khoản tiền chi trả tương ứng với khối lượng/thể tích chất thải được thải ra

– Thải ra càng ít thì phải chi trả càng ít

– Không thải rác không phải giả tiền Với cách áp dụng hệ thông thu phí này sẽ:

– Thúc đẩy giảm thiểu/ phân loại rác tại nguồn: Nếu người dân giảm thiểu lượng rác phát thải, người dân có thể tiết kiệm tiền phí/ giá dịch vụ vệ sinh.

– Phân loại rác phù hợp với công nghệ xử lý;Ví dụ: chất thải không đốt đươck/ chất thải cồng kềnh không phù hợp với công nghệ WtE.

– Tạo sự công bằng trong việc đóng phí: Người xả nhiều rác hơn sẽ phải đóng nhiều tiền hơn để thu gom/ xử lý chất thải.

– Đảm bảo nguồn thu tài chính: Nguồn thu từ người dân theo hệ thống PAYT là một trong những nguồn tài chính cho các hoạt động QLCTR.

Cách tính chi phí quản lý chất thải rắn:

Tham khảo một số cách tính như sau:

Tính toán chi phí quản lý CTR:

tm-img-alt

Tính toán giá thành mỗi chiếc túi:

tm-img-alt

▪ Chi phí QLCTR (Đồng/túi) = Chi phí QLCTR theo khối lượng (Đồng/kg) x Kích thước túi (l/túi) x Tỷ trọng (kg/l)

▪ Chi phí sản xuất (Đồng/túi)

▪ Chi phí phân phối = Chi phí sản xuất x Tỷ lệ chi phí phân phối

▪ Chi phí đơn vị dịch vụ= Chi phí QLCTR (Đồng/túi) x Tỷ lệ áp giá dịch vụ (k) x Tỷ lệ chi cho đơn vị dịch vụ

3. Thực trạng về tái chế chất thải đô thị

3.1. Đánh giá chung về công tác tái chế chất thải rắn sinh hoạt

Theo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì hoạt động tái chế CTRSH còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu vẫn được thực hiện bởi khu vực phi chính thức ở các làng nghề, gây ô nhiễm môi trường. Còn thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Phương thức xử lý CTRSH chủ yếu vẫn là chôn lấp, các bãi chôn lấp chủ yếu  tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất; tỷ lệ chất thải được tái chế, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp. Nhiều cơ sở xử lý CTRSH tái chế thành phần hữu cơ thành phân vi sinh (composting) đã được xây dựng và vận hành nhưng chưa đạt yêu cầu về BVMT.

-Theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 / 01/ 2022 của Chính phủ thì:

Tái chế chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để thu lại các thành phần có giá trị từ chất thải.

Hầu hết các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt có thể được tái chế. Chỉ còn lại một tỷ lệ chất thải rất nhỏ phải đem chôn lấp. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí xử lý rất nhiều so với việc đem chôn lấp, hoặc đốt hoàn toàn.

Tái chế chất thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Chúng làm giảm sự phụ thuộc của con người vào việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt.

Tái chế rác thải là một trong những cách giúp hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể: 135 tấn rác tái chế có thể tiết kiệm được

– 3,5 triệu lít nước,

– 1,9 triệu cây xanh, 500.000 KW/h,

– giảm 3 tấn chất làm ô nhiễm không khí và

– 1.300m3 đất để chôn lấp.

3.2. Các loại hình tái chế chất thải rắn sinh hoạt

3.2.1. Mô hình tái chế theo phương thức 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế)

tm-img-alt

3.2.2. Các loại hình tái chế chất thải rắn sinh hoạt

Tái chế nilon, nhựa, cao su

Nilon, nhựa và cao su phế liệu tái chế được có thể có 2 phương án tái chế sau:

– Phương pháp tạo ra bán thành phẩm nhựa hoặc cao su: phương pháp này hiện không được xã hội tán thành, ủng hộ, vì sản phẩm tái chế, dễ dàng sản xuất ra các sản phẩm đựng thực phẩm hoặc các đồ dùng sinh hoạt khác.

– Phương pháp nhiệt phân thiếu khí nhựa, cao su thành dầu đốt dạng FO, khí cháy (CH4, C2H6,…) và than hoạt tính – đây là 1 hướng giải thoát lớn cho bài toán năng lượng bù thêm cho quá trình đốt rác thải trong lò đốt.

Thu gom kim loại để tái chế

Theo thống kê Lượng kim loại có trong rác thải sinh hoạt từ 0,03 ÷ 0,2%; có nơi nhiều hơn, thu gom kim loại có 2 phương pháp:

 Từ tính với kim loại sắt, thép vụn.

 Nhặt thủ công với các lon, vỏ đồ hộp bằng nhôm.

Hóa rắn các chất thải rắn trở thành gạch không nung

 Gạch không nung từ hỗn hợp đất, đá, cát, tro đốt lò và xi măng:

Các nhà máy gạch không nung từ các phế thải xây dựng (tro, xỉ, phế thải xây dựng và xi măng,… ) đang được khuyến khích để thay thế cho các lò nung gạch thủ công ngày một tạo sự ô nhiễm và bất cập về năng lượng

Sản xuất phân compot từ mùn hữu cơ

– Mùn hữu cơ từ rác được lọc hết các phẩm vật khó phân hủy bằng phương pháp tách lọc trọng lượng (đất, cát, nilon, nhựa, …)

– Ủ lần 2, lần ủ này sẽ được điều chỉnh theo hướng diệt sạch mầm bệnh và tăng tỷ lệ mùn hữu cơ để làm nguyên liệu sản xuất phân bón theo đúng quy định về quản lý và sử dụng phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Mùn sau khi tách lọc được ủ xử lý từ 20 ÷ 25 ngày là đạt yêu cầu (mùn hữu cơ để làm phân bón ; có thể trộn thêm dinh dưỡng N, P, K , các nguyên tố trung lượng, vi lượng để đạt tiêu chuẩn phân theo yêu cầu của khách hàng.)

Tái chế rác thải nhựa

Theo báo cáo “Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam – Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC vừa công bố, mỗi năm,

– Khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam.

Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR).

– Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 – 2,9 tỷ USD mỗi năm.

– Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị, tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.

3 lợi ích về việc tái chế rác thải nhựa

– Tái chế rác thải nhựa giúp tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với sản xuất vật liệu nhựa mới nhờ giảm bớt được các hoạt động như khai thác, chế biến, vận chuyển …

– Tái chế rác thải nhựa giúp giảm thiểu số lượng rác thải sẽ phần nào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

– Sử dụng tái chế rác thải nhựa là phương pháp thân thiện với môi trường, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế lớn.

3.3. Đánh giá chung và những khuyến nghị

Tái chế : Các yếu tố sản xuất đã tác động đến quá trình chuyển hóa vật liệu và năng lượng, do vậy có sự đòi hỏi đến môi trường – nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Đó là:

– Đặc tính tái tạo của vật liệu và nhiên liệu, do vậy cần phân biệt giữa: – vật liệu, nhiên liệu tái tạo lại được vàvật liệu, nhiên liệu không tái tạo lại.

– Tái chế có thể ở dạng tái sinh hoặc tái tạo lại giá trị hoặc tiếp tục tận dụng giá trị

– Khuyến khích giảm sử dụng nhựa (vd: loại bỏ dần những sản phẩm nhựa không cần thiết) và các hệ thống tái sử dụng (vd: chai có thể nạp lại, mô hình phân phối mới, và mô hình kinh doanh)

– Quy định và điều chỉnh hài hòa các tiêu chuẩn và mục tiêu phân loại tại nguồn và thu gom riêng

– Hoàn thiện khung tài trợ xanh hiện tại để có chính sách ưu đãi và hỗ trợ cụ thể cho chuỗi giá trị tái chế nhựa

– Quy định tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế để tái chế cho bao bì nhựa

– Khuyến khích tăng năng lực tái chế PE/PP chính thức; phát triển tái chế PET chất lượng cao hơn

– Xây dựng các tiêu chuẩn rõ ràng đối với việc nhập khẩu nhựa phế liệu có chất lượng để sản xuất hạt, bán thành phẩm và/hoặc thành phẩm nhựa; tránh việc cấm hoàn toàn nhập khẩu phế liệu nhựa

– Xây dựng các quy trình thực tế để tài trợ cho các doanh nghiệp tuần hoàn nhựa

– Xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi cho việc sử dụng hàm lượng tái chế

– Thiết lập mục tiêu/tiêu chuẩn hàm lượng tái chế cho các ngành lớn sử dụng sản phẩm nhựa cuối

– Các Bộ, Ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cần: (i) thiết lập cơ sở dữ liệu có thể truy cập rộng rãi về xuất/nhập khẩu nhựa; (ii) cải thiện mức độ chính xác của nhập liệu; và (iii) xây dựng danh mục toàn diện các đơn vị tái chế trong nước

Ngoài ra, vì khu vực không chính thức đã tham gia khá sâu và mạnh mẽ vào công việc tái chế nói chung và tái chế nhựa và giấy/thùng carton … nói riêng, trong điều kiện môi trường và sức khỏe không phù hợp

Điều này sẽ đòi hỏi cần có sự tham gia và hợp tác chặt chẽ với khu vực không chính thức.

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng 
Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam

Ảnh: Người dân tới đổi rác tái chế lấy quà tại điểm đổi rác phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)