Tây Nguyên là khu vực có diện tích và độ che phủ rừng lớn nhất cả nước và cũng là những địa phương đầu tiên thí điểm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng.
1. Đặt vấn đề
Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chủ trương đúng đắn đã phát huy vai trò tác động tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên ở nước ta. Theo báo cáo Hội thảo quốc gia ngày 24/11/2020, tại Hà Nội về “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam” thì việc chi trả dịch vụ môi trường rừng theo pháp luật đã trở thành nguồn tài chính bền vững, huy động nguồn vốn từ xã hội, góp phần vào gia tăng giá trị của ngành Lâm nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế. Nguồn tài chính này đã góp phần trong việc quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, sinh kế bền vững cũng như nâng cao nhận thức cho người dân[1]. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng còn những khó khăn tồn tại nhất định, cần tiếp tục được nghiên cứu nhằm phát huy khả năng tốt nhất bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên và kinh tế – xã hội.
Tây Nguyên là khu vực địa bàn chiến lược quan trọng, nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có gốc bản địa như Ê đê, Giarail, Cơ Ho, Mơ Nông,… Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được chính thức áp dụng ở nước ta từ ngày 01/01/2011 sau Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng có hiệu lực. Tây Nguyên, hiện là khu vực có diện tích và độ che phủ rừng lớn nhất cả nước và cũng là những địa phương đầu tiên thí điểm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đến nay đã mang lại những hiệu quả kinh tế – xã hội đã thấy rõ rệt, giải quyết được bài toán kinh tế với bảo vệ tài nguyên, đất đai, môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có nhiều vấn đề nảy sinh như việc thực hiện pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng còn chưa phát huy hiệu quả thiết thực, còn để mất đất, mất rừng. Thực hiện pháp luật lâm nghiệp tại các địa phương còn chậm, chưa thực sự đồng bộ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho chi trả dịch vụ môi trường rừng còn thấp. Vì vậy, cần có sự vào cuộc tích cực từ các địa phương cũng như triển khai pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng bộ. Đồng thời, rà soát các chủ thể được hưởng lợi từ môi trường rừng để bổ sung khung pháp lý điều chỉnh đầy đủ, kịp thời, góp phần gia tăng nguồn thu, tăng nguồn chi trả cho đối tượng được thụ hưởng; Tăng tính kết nối liên vùng, chia sẻ thông tin, đảm bảo sự công bằng trong khai thác, hưởng dụng và bảo vệ tài nguyên rừng.
2. Nội dung cơ bản của pháp luật về chi trả dịch vụ môi trường rừng
Theo khoản 23 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 thì “Dịch vụ môi trường rừng là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng”. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được bắt đầu thực hiện thí điểm ở hai tỉnh là Lâm Đồng và Sơn La theo Quyết định số 380/QĐ – TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó chính thức được điều chỉnh bởi Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng được quy định trong Luật Lâm nghiệp năm 2017, Nghị định số 147/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp 2017 và một số văn bản có liên quan của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp. Nội dung quy định về dịch vụ môi trường rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng như sau:
2.1. Các loại dịch vụ môi trường rừng và nguyên tắc chi trả
Các loại dịch vụ bao gồm các hoạt động bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.
Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng khi đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 2 và cung ứng một hoặc một số dịch vụ môi trường rừng quy định tại Điều 61 của Luật Lâm nghiệp 2017. Theo đó, bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một yếu tố trong giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng; Bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công bằng và phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2.2. Đối tượng, hình thức chi trả và quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng
– Đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm:
Chủ rừng được quy định tại Điều 8 của Luật Lâm nghiệp 2017; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng là tổ chức do Nhà nước thành lập; Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật[2].
– Đối tượng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bao gồm:
Cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện. Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch. Cơ sở sản xuất công nghiệp phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất công nghiệp. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải chi trả tiền dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng cho nuôi trồng thủy sản và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật[3].
2.3. Hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng
– Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Nhà nước khuyến khích áp dụng chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng tự thỏa thuận trên cơ sở mức tiền chi trả dịch vụ do Chính phủ quy định.
– Việc quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện khi: Xác định tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng; mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng; hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng; lập kế hoạch thu, chi dịch vụ môi trường rừng; xác định trường hợp được miễn, giảm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng; tổ chức chi trả dịch vụ môi trường rừng; kiểm tra, giám sát quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừngđược quy định tại Điều 64, Điều 65 Luật Lâm nghiệp 2017.
3. Một số tồn tại, bất cập về pháp luật và thực hiện pháp luật chi trả môi trường rừng qua thực tiễn tại các tỉnh Tây Nguyên
Tây Nguyên, hiện là khu vực có diện tích và độ che phủ rừng lớn nhất cả nước và cũng là những địa phương đầu tiên thí điểm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Sau thời gian triển khai thực hiện pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng, những hiệu quả kinh tế – xã hội trước mắt đã thấy rõ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng có nhiều vấn đề nảy sinh, những tồn tại, bất cập như:
Thứ nhất, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn còn thấp, chưa thu hút được đông đảo đồng bào dân tộc bản địa tham gia nhận giao khoán, bảo vệ và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Theo báo cáo tại Hội thảo quốc gia “Đánh giá ảnh hưởng 10 năm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam”, diễn ra tại Hà Nội ngày 20/11/2020, mức chi trả chỉ đạt 36 đồng/kWh đối với cơ sở sản xuất thủy điện, 52 đồng/m3 đối với cơ sở sản xuất nước sạch.
Thứ hai, việc lợi dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng, giao khoán rừngđể phá rừng, lấn chiếm đất rừng thậm chí hủy hoại rừng còn tiếp diễn tại các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đã xử lý 4.433 vụ[4]. Tây Nguyên vẫn là trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật; hành vi chống người thi hành công vụ. Tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Thứ ba, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh Tây Nguyên còn thiếu tính kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin và chênh lệch giữa các địa phương. Nguyên nhân do Tây Nguyên là khu vực thượng nguồn của nhiều hệ thống sông lớn của nước ta như hệ thống sông Đồng Nai, Srepok, Sê San,… Lựu vực sông có thể nằm trong khu vực nhiều lưu vực sông có thể bao trùm sang cả nước bạn Campuchia, Nam Lào, khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ của Việt Nam. Mức hưởng dịch vụ môi trường rừng khác nhau, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, nguồn thu cũng chênh lệch nhau.
Thứ tư, công tác rà soát, điều chỉnh ba loại rừng tại Tây Nguyên còn bất cập. Triển khai, thực hiện pháp luật lâm nghiệp tại các địa phương còn chậm, chưa thực sự đồng bộ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lâm nghiệp còn thấp. Công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc kiểm soát chuyển mục đích sử dụng rừng chưa chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
4. Đề xuất một số định hướng giải pháp góp phần hoàn thiện và thực thi pháp luật chi trả môi trường rừng tại các tỉnh Tây Nguyên
Xuất phát từ thực trạng pháp luật và thực thi pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện và thực thi pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng như sau:
Một là, cần xem xét bổ sung đầy đủ các loại dịch vụ môi trường rừng mà pháp luật chưa có quy định thu như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon,… vào các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp. Đảm bảo quyền lợi, sự công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể trong nhận khoán, bảo vệ rừng, nhất là cộng đồng các dân tộc bản địa tại chỗ.
Hai là, các địa phương cần nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tương ứng với giá trị dịch vụ môi trường rừng tạo ra cho xã hội như sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, sản xuất giấy,… Thu hẹp sự chênh lệch mức chi trả giữa các tỉnh và lưu vực, tiến tới xây dựng mức chi trả thống nhất mang tính khu vực, liên tỉnh.
Ba là, Nhà nước cần có giải pháp phù hợp hơn để thu hút cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và phục hồi rừng, chú trọng nguồn thu nhập ổn định thông qua dịch vụ môi trường rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, lâm sinh. Pháp luật về dịch vụ môi trường rừng cần được triển khai đồng bộ với chương trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, cần hoàn thiện khung pháp lý để bổ sung nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng; rà soát các đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, gián tiếp từ môi trường rừng, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nghĩa vụ vật chất của chủ thể được hưởng lợi. Tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng quản lý cơ sở dữ liệu về rừng; có chính sách giao đất, giao rừng, tăng cường thanh kiểm tra, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về rừng nhất là loại rừng phòng hộ đầu nguồn.
Năm là, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa quy định pháp luật chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đặc thù mỗi địa phương. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, mức thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân để góp phần hoàn thiện khung chính sách pháp luật chi trả sát với thực tiễn và yêu cầu phát triển bền vững.
Sáu là, tăng cường công tác tổng kết, đánh giá công tác thi hành pháp luật đất đai, môi trường, đầu tư,… bảo đảm tính thống nhất trong công tác bảo vệ rừng với công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Rà soát ban hành, phối hợp ban hành các văn bản cụ thể liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh Tây Nguyên. Xây dựng hoàn thiện hệ thống dữ liệu về rừng, chia sẻ thông tin, nguồn lực, kinh nghiệm bảo vệ, phát triển rừng. Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp, lâm sinh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của khu vực Tây Nguyên và từng địa phương.
Bảy là, tiếp tục xây dựng hoàn thiện pháp luật lâm nghiệp, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản mới; khắc phục những bất cập, thiếu nhất quán giữa pháp luật đất đai, đầu tư, quản lý tài sản công với pháp luật lâm nghiệp hiện hành. Cụ thể hóa kịp thời hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các tỉnh Tây Nguyên về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên, đất đai, môi trường trong tương lai.
Tài liệu trích dẫn:
1 Báo cáo Hội thảo quốc gia ngày 24/11/2020, tại Hà Nội về “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam”
2 Xem khoản 1 Điều 63 Luật Lâm nghiệp 2017.
3 Xem khoản 2 Điều 63 Luật Lâm nghiệp 2017.
4 Nguyễn Quốc Trị (Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp), Báo cáo tại “Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên”, Buôn Ma Thuột, ngày 22/6/2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII (2013), Luật Đất đai năm 2013.
2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV (2020), Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
3. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV (2017), Luật Lâm nghiệp năm 2017.
4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV (2020), Luật Doanh nghiệp năm 2020.
5. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 về “chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”.
6. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 “sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”.
7. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp”.
8. Thủ tướng Chính phủ (2008). Quyết định số 380/QĐ – TTg, ngày 10/4/2008 “Về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng”.
9. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2020). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021.
10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2020), Quyết định số 1423/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2020,”công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019”.
11. Trường Đại học Lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), (2020). “Đánh giá 10 năm ảnh hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, Hà Nội, ngày 24/11/2020.
THE ENFORCEMENT OF LEGAL REGULATIONS REGARDING PAYMENTS FOR FOREST ENVIRONMENT SERVICES IN PROVINCES OF THE CENTRAL HIGHLANDS, VIETNAM
Nguyen Van Hung
Faculty of Law, Da Lat University
Abstract:
This paper examines legal regulations regarding payments for forest environment services by analyzing practical cases in provinces of the Central Highlands, Vietnam. The Central Highlands has a large forest area and it is the first region in Vietnam which enforces the payments for forest environment services. This paper is expected to provide a more detailed view of legal regulations regarding payments for forest environment services to forest owners.
Keywords: law enforcement, Central Highlands, services, payment, forest environment.
Nguyễn Văn Hùng (Khoa Luật học – Trường Đại học Đà Lạt)
Theo Tạp chí Công Thương