Thực hiện các giải pháp bảo vệ cây trồng trong mùa mưa bão

Chi cục Thủy lợi tỉnh nhận định vụ thu mùa năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 9.079 ha cây trồng có khả năng xảy ra ngập úng, để bảo vệ cây trồng vụ thu mùa 2019 trong mùa bão, ngành nông nghiệp, các đơn vị thủy nông và chính quyền các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập úng cho cây trồng.

Thực hiện các giải pháp bảo vệ cây trồng trong mùa mưa bão

Chi cục Thủy lợi tỉnh nhận định vụ thu mùa năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 9.079 ha cây trồng có khả năng xảy ra ngập úng, để bảo vệ cây trồng vụ thu mùa 2019 trong mùa bão, ngành nông nghiệp, các đơn vị thủy nông và chính quyền các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập úng cho cây trồng.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, mùa mưa bão năm 2019, dự báo tỉnh Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Mưa sẽ diễn biến phức tạp, tổng lượng mưa có khả năng đạt từ 1.400 đến 1.600 mm, có nơi hơn 1.600 mm, các tháng 8, 9, 10 lượng mưa có thể sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Căn cứ vào dự báo tình hình thời tiết, Chi cục Thủy lợi tỉnh nhận định vụ thu mùa năm nay trên địa bàn tỉnh sẽ có khoảng 9.079 ha cây trồng có khả năng xảy ra ngập úng. Tập trung ở các huyện: Tĩnh Gia, Nông Cống, Hà Trung, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Nga Sơn… Vì vậy, để bảo vệ cây trồng vụ thu mùa 2019 trong mùa bão, ngành nông nghiệp, các đơn vị thủy nông và chính quyền các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngập úng cho cây trồng.

Vụ thu mùa năm 2019, huyện Nông Cống được dự báo sẽ có khoảng 2.000 ha cây trồng có nguy cơ bị ngập úng. Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, huyện đã tổ chức kiểm tra công trình trước lũ, đánh giá đúng mức độ hư hỏng, an toàn công trình, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Hiện trên địa bàn huyện có 29 hồ chứa nước có dung tích vừa và nhỏ do địa phương quản lý, trong đó, có tới 19 hồ đang trong tình trạng xuống cấp. Vì vậy, huyện đã xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối với từng hồ cụ thể. Đồng thời, xây dựng các phương án phòng, chống úng, tổ chức điều hành các vùng tiêu, tiến hành nạo vét bùn đất trên các tuyến kênh, mương tiêu, các trục dẫn nước, giải tỏa ách tắc trên toàn hệ thống kênh, mương tiêu. Đồng hành cùng với huyện Nông Cống, Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Nông Cống đã phối hợp với các xã, thị trấn hoàn thành kiểm tra và tu sửa máy móc, thiết bị tưới tiêu, bảo đảm 100% máy móc, thiết bị hoạt động tốt, đáp ứng tiêu úng cho diện tích cây trồng của vụ thu mùa trong mùa mưa bão sắp tới. Ngoài ra, đơn vị thủy nông còn phối hợp với huyện Nông Cống xây dựng phương án khi có dự báo mưa, bão hoặc thời tiết xấu; phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp của các xã, thị trấn để chủ động việc tiêu nước đệm ở trong đồng, các kênh tiêu và trục dẫn.

Vụ thu mùa năm nay, huyện Triệu Sơn phấn đấu gieo trồng 10.800 ha cây trồng các loại. Cùng với việc xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất cho toàn vụ, huyện đã xác định được diện tích cây trồng thuộc vùng sâu trũng có nguy cơ bị ngập lụt cao khoảng 2.000 ha, tập trung ở các xã: Tân Ninh, Xuân Thọ, Thái Hòa, Tân Thọ… Trên cơ sở xác định diện tích có nguy cơ bị ngập lụt, huyện đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa chiêm xuân năm 2019 trên diện tích sâu trũng; đồng thời, thực hiện gieo trồng sớm diện tích vụ thu mùa để né lụt. Bố trí nguồn vốn để tu sửa, bảo dưỡng các cống tiêu, cống ngăn lũ, các trạm bơm tiêu úng, công trình hồ đập. Tổ chức kiểm tra vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van tràn xả lũ bảo đảm vận hành tốt trong mùa mưa bão. Ngoài ra, huyện đã và đang phối hợp với đơn vị thủy nông thực hiện nạo vét, giải tỏa ách tắc trên các tuyến kênh tiêu, xây dựng phương án vận hành các trạm bơm tiêu để bảo vệ cây trồng khi có bão lụt xảy ra.

Để giúp các địa phương chủ động bảo vệ diện tích cây trồng trong mùa mưa bão năm nay, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã có phương án phòng, chống ngập úng cho cây trồng. Theo đó, chi cục định hướng cho các địa phương và đơn vị thủy nông trên địa bàn tỉnh cần tập trung khắc phục những tồn tại trong công tác kiểm tra công trình trước và sau lũ, đánh giá đúng mức độ hư hỏng, an toàn công trình, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho từng hồ và xây dựng kế hoạch tu sửa công trình, kế hoạch nạo vét kênh tiêu liên huyện, liên xã. Trên cơ sở kiểm tra các công trình trước lũ năm 2019, các đơn vị tập trung chỉ đạo tu sửa, bảo dưỡng các công trình phục vụ công tác tiêu thoát lũ. Tổ chức kiểm tra vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van xả lũ, bảo đảm vận hành tốt trong mùa mưa bão. Kiện toàn bộ máy ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; đồng thời, xây dựng chương trình triển khai kế hoạch, tổ chức chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đầu vụ và ngập úng cuối vụ. Kiểm tra, rà soát quy trình vận hành hồ chứa, xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho từng hồ theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Công trình chứa nước nào chưa bảo đảm an toàn thì nhất thiết không được tích nước; đối với các hồ đang cải tạo, nâng cấp đôn đốc các nhà thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện thanh thải kịp thời các đập tạm trên các sông để chủ động tiêu nước đệm trước khi có mưa lớn xảy ra. Tổ chức lực lượng ra quân nạo vét kênh tiêu, giải tỏa ách tắc, xử lý lấn chiếm công trình tiêu thoát, nhất là phá dỡ ách tắc do bèo tây, bè mảng rau muống trên hệ thống kênh, trục tiêu lớn, như: Hệ thống sông nhà Lê, sông Hoàng, sông Nhơm, sông Đơ, sông Rào, sông Ấu, sông Trà Giang, sông Gòng, các kênh tiêu Quý Khê, Trường Phụ, Lộc Vinh… và quanh khu vực công trình đầu mối của các cống tiêu, trạm bơm tiêu, như: cống Bộ Đầu, Thành Châu, Ngọc Đỉnh; các trạm bơm Cầu Khải, Hà Hải, Hà Ngọc, Nhân Trạch.

Hương Thơm – Báo Thanh Hóa

Theo Thanh Hóa

Ảnh: Kiểm tra, vận hành thử trạm bơm Dân Quyền (Triệu Sơn). Ảnh: Hương Thơm

Xem bài viết gốc tại đây:

http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thuc-hien-cac-giai-phap-bao-ve-nbsp-cay-trong-trong-mua-mua-bao/102655.htm