Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bức xúc khi tuyến đường dân sinh bị xe tải chở đất san lấp có trọng tải lớn ‘băm nát’, khiến việc tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.
Vừa qua, PV Báo GD&TĐ liên tục nhận được phản ánh của các hộ dân trú ở thôn Phò Ninh (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về việc tình trạng xe tải chở đất san lấp có trọng tải lớn liên tục hoạt động qua lại đoạn đường từ Đội Phòng cháy chữa cháy đi vào mỏ đất của Công ty Cổ phần lâm nghiệp 1/5, khiến cho đoạn đường này bị sụt lún nghiêm trọng, xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi” gây mất an toàn giao thông.
Không những thế, việc xe chở đất làm rơi vãi trên đường cộng thêm trời nắng làm xuất hiện thêm tình trạng bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Theo người dân, tuyến đường thôn Phò Ninh, xã Phong An là tuyến đường giao thông đi vào khu sản xuất của người dân. Tuy nhiên mấy năm gần đây xuất hiện tình trạng xe chở đất san lấp có trọng tải lớn liên tục đi qua khiến cho con đường này xuống cấp nghiêm trọng, người dân đi lại vô cùng khó khăn.
Người dân ở đây cho biết, mấy năm nay, bà con ở tuyến đường này luôn thường trực nỗi bất an, khốn khổ vì đường xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nắng thì bụi bẩn, lòi ra những “ổ gà”, “ổ voi” gồ gề, còn trời mưa thì lầy lội, bùn đất nhão nhoét. Nhiều người đi không quen đường đã xảy ra tai nạn.
“Mặc dù chúng tôi đã không ít lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay, tình trạng xe chở đất san lấp có trọng tải lớn vẫn hoạt động rầm rộ và chưa có dấu hiệu giảm đi. Thời gian gần đây, số lượng xe di chuyển qua đoạn đường nay ngày càng tăng lên để chở đất phục vụ cho cao tốc La Sơn – Túy Loan, mỗi khi di chyển trên tuyến này đường, người dân chúng tôi nơm nớp lo xảy ra tai nạn”, một người dân xã Phong An bày tỏ.
Trước những thông tin các hộ dân cung cấp, PV Báo GD&TĐ đã đến hiện trường để xác minh, làm rõ thực hư phản ánh này.
Theo quan sát, sau khoảng 1 giờ đồng hồ PV ghi nhận được hàng chục lượt xe tải chở đất san lấp di chuyển qua lại đoạn đường này. Điều đáng nói, một số xe tải phủ bạt rất sơ sài khiến đất đá rơi vãi, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Đoạn đường có bê tông thì bị bong tróc nghiêm trọng, những đoạn khác bị sụt lún, xuất hiện nhiều “ổ gà”, ổ voi” trải dọc tuyến đường.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Đôn – Phó chủ tịch UBND xã Phong An cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được thông tin, UBND xã cũng đã chỉ đạo cho Công an xã, Công an môi trường của huyện chấn chỉnh xử lý tình trạng xe tải chở đất có trọng tải lớn.
Ông Đôn thông tin, còn về đường hư hỏng thì trong nghị quyết của HĐND tỉnh đã có phương án đề xuất hỗ trợ để tiến hành khắc phục và thảm nhựa tuyến đường này từ trên trại chăn nuôi Hoàng Bằng về đến phía giáp đường quốc lộ.
“Hiện tại, rất có khả năng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tất cả vấn đề liên quan, trở ngại nên chưa thực hiện đươc dự án. Còn về đường hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các đơn vị chở đất đi vào đoạn đường này đều mua đất của mỏ Hoàng Bằng để chạy cho dự án đường cao tốc”, ông Đôn nhấn mạnh.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Bách – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, ông đã khảo sát đoạn đường và đã giao cho phòng Kinh tế hạ tầng kiểm tra nhưng chưa thấy báo cáo lại.
“Hiện, tôi cũng chưa nắm được đầy đủ thông tin cụ thể về vấn này, sau khi nhận được phản ánh của PV, tôi sẽ căn cứ vào kiểm tra hiện trường và báo cáo của UBND xã để nghiên cứu phương án xử lý.
Ngoài ra, nếu con đường này nằm trong kế hoạch đầu tư của tỉnh thì huyện sẽ có kiến nghị để sớm đầu tư. Về nguyên tắc phải đảm bảo an toàn cho người dân trên con đường đó và nếu tỉnh chưa bố trí được nguồn lực, huyện sẽ bố trí để xử lý những điểm bị ổ gà, ổ voi ”, ông Bách nhấn mạnh.
Được biết trước đó (ngày 28/2), người dân cũng đã phản ánh tình trạng đường bị sụt lún, ổ voi, ổ gà nhiều do xe tải chở đất có trọng tải lớn gây ra trên ứng dụng Hue-S và hạn xử lý đến ngày 10/3. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đến nay ngày 16/3, UBND huyện Phong Điền vẫn chưa có phản hồi về vấn đề này.
Quỳnh Như – Báo GD&TĐ
Theo Giáo dục & Thời đại
Xem bài viết gốc tại đây: