Thu phí rác thải theo khối lượng: Cần giải pháp đồng bộ

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để thu phí rác thải sinh hoạt có hiệu quả, cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý.

Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) với tỉ lệ 91,91% mục tiêu hướng đến chất lượng môi trường tốt nhất cho quốc gia và người dân.

Đáng lưu ý, điều 79 của Luật này quy định, chậm nhất trước ngày 31/12/2024 phải thực hiện tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, mức “rác phí” này được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá, dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực hiện phân loại rác theo quy định thì những loại rác có khả năng tái chế và chất thải thực phẩm sẽ không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Ngược lại, nếu không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì tất cả rác thải ra sẽ phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.

Với quy định này, việc xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được chính thức đề cập tới trong các điều luật. Quy định trên cũng là cơ sở để xác định hành vi không phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường nằm trong số những hành vi bị nghiêm cấm.

Theo Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi quốc tế đề xuất mức phí chi trả chiếm từ 1 – 1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, tỉ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Đơn cử, mức thu phí tối đa hằng năm tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) là 103,35 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, doanh thu thực tế tại 4 quận này chỉ là 65.817 triệu đồng/năm, tương đương 64%.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng thừa nhận, thực tế, việc thu phí xử lý chất thải sinh hoạt ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay theo hình thức hộ gia đình hay đầu người mới chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn kinh phí xử lý rác gần như vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – PGS.TS. Phùng Chí Sỹ – cũng cho rằng, lâu nay, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.

Việc phân loại rác tại nguồn trước đây gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn rất ít và chưa đủ mạnh mẽ để thay đổi tình thế. Gánh nặng xử lý rác thải ngày càng lớn trên vai của chính quyền địa phương các cấp, gây ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường.

Cần có giải pháp đồng bộ

Mới đây, chia sẻ với báo Tiền phong về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, sắp tới sẽ có 4 giải pháp lớn được triển khai. Thứ nhất, thay vì thu phí xử lý rác cào bằng theo hộ hoặc theo đầu người, các địa phương sẽ phải thu phí rác theo khối lượng hoặc thể tích với nguyên tắc càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền thông qua việc bán bao bì đựng rác chuyên dụng. Khi đó, nếu người dân phân loại tại nguồn, phần rác tái chế sẽ không bị tính phí mà chỉ tính phần phí rác không tái chế, tạo động lực cho họ phân loại rác tại nguồn. Đây là giải pháp về kinh tế.

Thứ hai, để tránh tình trạng phân loại xong lại đổ chung một xe, vận chuyển về cùng một bãi, các địa phương phải đầu tư đồng bộ hạ tầng từ phương tiện vận chuyển, hoạch địch tuyến thu gom, các điểm lưu giữ cũng như công nghệ xử lý tương ứng.

Thứ ba, có nhiều giải pháp giám sát như lắp đặt hệ thống camera ở nhiều nơi. Người vứt rác bừa bãi có thể bị bêu tên trên loa phường hay cuộc họp dân phố. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, tổ dân phố cùng nhau giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Thứ tư là nâng chế tài xử lý các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng có thể xử phạt để quy định có thể đi vào thực tiễn.

tm-img-alt

Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Luật lần này tạo một cơ chế đột phá, cách tính đơn giá dịch vụ xử lý rác sẽ theo công nghệ. Khi đầu tư công nghệ hiện đại thì suất đầu tư lớn, giá xử lý phải cao mới lựa chọn được nhà đầu tư, không thể đơn giá công nghệ đốt rác phát điện lại giống như đơn giá chôn lấp.

Còn theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc, còn cách thức thu phí rác thải sinh hoạt cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng nghị định, thông tư. Dẫn thực tế Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện thu phí rác thải theo khối lượng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý. Quan trọng hơn, người dân có nhận thức đầy đủ, nếu họ ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích. Gắn với đó là tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm”.

Đa số các chuyên gia môi trường và cả người dân đều đồng tình quan điểm rằng, việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng là truyền thông chính sách, giúp người dân dễ hiểu, dễ làm. Để thay đổi thói quen phân loại rác tại nguồn, ngoài tuyên truyền, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích người dân thực hiện.

Minh Tuệ – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Việc xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được chính thức đề cập tới trong các điều luật. (Ảnh minh họa: Inetrnet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/thu-phi-rac-thai-theo-khoi-luong-can-giai-phap-dong-bo-51400.html