Thu phí không dừng: Đừng ‘tại, bị’ nữa!

Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt với quyết tâm hoàn thành dứt điểm việc lắp đặt, thu phí tự động không dừng ở tất cả trạm BOT giao thông trên toàn quốc trong tháng 7-2022

Tại sao triển khai từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện thu phí điện tử không dừng (ETC) ở các trạm BOT? Các doanh nghiệp chây ì thực hiện sẽ bị xử lý như thế nào? Sau khi gia hạn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất thì trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đến đâu?… Hàng loạt câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại nghị trường nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Gần 7 năm chật vật triển khai

Từ tháng 12-2015 Bộ GTVT triển khai ETC giai đoạn 1 với các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên do Công ty TNHH Thu phí không dừng (VETC) thực hiện. Do giai đoạn này các quy định pháp luật điều chỉnh chưa đầy đủ dẫn đến quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ triển khai chậm không đạt yêu cầu.

Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017, trong đó yêu cầu đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí đủ điều kiện phải triển khai lắp đặt, vận hành ETC. Sau 3 năm triển khai, Bộ GTVT tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg, trong đó yêu cầu chậm nhất đến ngày 31-12-2020 phải chuyển sang ETC; các địa phương chịu trách nhiệm triển khai ETC tại các trạm do địa phương quản lý.

Để tăng tính cạnh tranh, tránh độc quyền trong cung cấp dịch vụ thu phí, tăng quy mô hệ thống, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn thêm nhà cung cấp dịch vụ thứ 2 do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (đây là doanh nghiệp do Viettel và một số doanh nghiệp tiềm lực về công nghệ liên danh thành lập).

Theo Bộ GTVT, thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Đến nay, tất cả trạm thu phí đủ điền kiện đã được lắp đặt, vận hành hệ thống ETC, phù hợp với lộ trình được Quốc hội chỉ đạo tại các nghị quyết về giám sát chuyên đề. Đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống ETC, trong đó bộ quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai ETC do có tính chất đặc thù, bộ đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Đối với các dự án của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện mới lắp đặt được số làn tối thiểu trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, các tuyến cao tốc còn lại (Hà Nội – Lào Cai, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây và Đà Nẵng – Quảng Ngãi) hiện chưa lắp đặt, đang sử dụng hệ thống thu phí thủ công.

Bộ GTVT thừa nhận hệ thống ETC triển khai còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg; chưa hoàn thiện đồng bộ hệ thống khi chưa bảo đảm tại tất cả các trạm đều được lắp đặt 100% làn ETC, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg. Cùng với đó, chưa phát huy tối đa hiệu quả hệ thống do số lượng phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ chưa đạt như kỳ vọng và chậm triển khai thu phí không dừng tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư (đây là các tuyến cửa ngõ, có lưu lượng lớn, kết nối 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP HCM tới các tỉnh).

Tối hậu thư đến ngày 31-7-2022

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu đã chất vấn gay gắt Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về vấn đề triển khai thu phí không dừng. Những khó khăn, vướng mắc mà “tư lệnh” ngành GTVT giải trình là trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do thói quen của người dân, dán thẻ cũng rất hạn chế dù miễn phí. Dù Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng với số lượng hơn 113 trạm BOT, quy mô khoảng 400 làn đường, bộ đã rất nỗ lực, song không thể nào đáp ứng kịp.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 30-6, toàn bộ các trạm BOT (trừ VEC) phải hoàn thành đầy đủ các làn, mỗi trạm chỉ để 2 làn ở hai bên để giải quyết những tình huống phức tạp hoặc đột xuất, còn lại là ETC. Đối với VEC, do vừa mới tháo gỡ cơ chế nên Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo đến ngày 31-7-2022 sẽ hoàn thành toàn bộ. “Nếu đến ngày 30-6, các trạm BOT ngoài đường cao tốc mà chưa hoàn thành sẽ dừng thu phí và tập trung làm, khi nào xong sẽ cho thu phí lại. Riêng VEC cũng vậy, thời hạn cuối cùng là ngày 31-7” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, cả nước có 113 trạm BOT, hiện các trạm đang ráo riết thực hiện chỉ đạo trên. Đến ngày 31-7, trạm nào đủ điều kiện thì thu phí, trạm nào không đạt thì buộc dừng thu, đợi đến khi bảo đảm điều kiện sẽ cho thu phí lại.

Tạo sức ép với doanh nghiệp đầu tư

TS Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông, cho rằng về bản chất của vấn đề thì không thể nào tìm hiểu hết được nhưng chúng ta cần quy định khung chung. Và không viện lý do nào cả, ngoài việc yêu cầu “tháo ba-ri-e” cho người dân đi lại tự do nếu đến hạn mà không lắp xong ETC.

“Khi mở cửa tự do qua trạm thu phí, doanh nghiệp dự án sẽ không thu được đồng nào thì phải giải quyết hậu quả. Phải quy định đến ngày đó không hoàn thiện hệ thống ETC thì phải mở rào cho người dân đi. Đấy là sức ép” – TS Tạo đề nghị.

Ông Hoàng Tấn Hưng, Giám đốc Công ty Vận tải Hưng Lan (TP HCM):

Không minh bạch thì người dân lãnh đủ

Sử dụng ETC sẽ nhanh chóng, tránh ùn tắc, doanh nghiệp đầu tư giảm được nhân viên tại các trạm… Thế nhưng, sao các nhà đầu tư không muốn thực hiện. Theo tôi, lý do duy nhất là họ không muốn minh bạch. Mà không muốn minh bạch là bởi sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Với trạm thu phí thì nguyên tắc nguồn thu thấp, thời gian thu càng dài, xã hội phải trả phí càng lớn. Nếu gian lận được nguồn thu thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ càng cao. Thực tế, có doanh nghiệp từng gian lận nguồn thu đã bị Bộ Công an khởi tố. Có doanh nghiệp “lẳng lặng” thu lố đến vài năm nhưng không ai kiểm soát. Nhiều tuyến đường có nguồn thu hấp dẫn, doanh nghiệp không muốn “nhả” ra sau khi hết hạn thu phí.

Nếu có gian lận thu phí thì người dân sẽ phải gánh chịu chứ không ai khác. Chi phí này sẽ được doanh nghiệp tính vào hàng hóa và đây là một trong những yếu tố tác động đến lạm phát.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội:

Phải xử phạt đầy đủ, nghiêm túc

Tôi ủng hộ việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý GTVT, quản lý doanh nghiệp, đóng góp vào việc thu phí vật tư hạ tầng. Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan chức năng – ở đây là Bộ GTVT – cần quyết tâm bảo đảm việc thí điểm ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lần này phải thành công, đồng thời giải quyết những vướng mắc tồn đọng thời gian qua trong việc thực hiện ETC trên toàn quốc.

Quyết tâm hết lần này đến khác. Khất hết lần lần này đến lần kia, mà lý do lại không hoàn toàn khách quan, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong phương án thu phí đồng nhất giữa các ngân hàng. Phải có phương án xử phạt một cách đầy đủ, nghiêm túc thì mới thực hiện được chủ trương của nhà nước và chấm dứt việc thí điểm kéo dài như thế này.

H.Nghi – V.Duẩn ghi

Bài và ảnh: Văn Duẩn – Báo NLĐ

Theo Người Lao Động

Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải ra hạn chót đến ngày 31-7, tất cả trạm BOT phải hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://nld.com.vn/thoi-su/thu-phi-khong-dung-dung-tai-bi-nua-20220611210623141.htm