Thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh

Cử tri và nhân dân kiến nghị tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường. Đồng thời, thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh.

Trong chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ở mức đáng báo động, nguy hại đến sức khỏe con người. Tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm; việc phản ứng của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu đông dân cư. Ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường. Đồng thời, thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh.

Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng việc xác minh, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng và các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù vậy, tình hình bệnh dịch tả đã lan rộng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, một số địa phương tiêu hủy không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây bệnh cho người dân.

Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, dập bệnh dịch tả, giám sát chặt chẽ việc xử lý, tiêu hủy lợn bệnh đúng quy định, hạn chế lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Từ kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường.

H.L – Báo PL&XH

Theo Pháp luật & Xã hội

Ảnh: Cử tri và nhân dân kiến nghị cần ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường (ảnh: internet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://phapluatxahoi.vn/thong-tin-kip-thoi-ve-tinh-hinh-muc-do-o-nhiem-moi-truong-de-nguoi-dan-chu-dong-phong-tranh-166164.html