Thống nhất sử dụng ứng dụng PC-COVID trên cả nước

Hiện một số địa phương yêu cầu người về từ vùng dịch cấp độ 1, 2 phải xét nghiệm là không đúng theo hướng dẫn.

Ngày 29-10, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Không lạm dụng xét nghiệm

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế Bộ Y tế, đã trình bày về công tác chống dịch của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với các nước trên thế giới khi phân các vùng nguy cơ và các nội dung quan trọng của Nghị quyết 128.

Bà Hương lưu ý quy định không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh thì chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; với trường hợp cách ly y tế hoặc theo dõi y tế và trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Bổ sung, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết hiện công tác xét nghiệm COVID-19 tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, người có triệu chứng, người ở cơ sở sản xuất, kinh doanh… chứ không xét nghiệm diện rộng như trước.

“Các địa phương chưa phân loại đi về từ vùng nào mà yêu cầu người từ vùng khác về phải xét nghiệm là lạm dụng xét nghiệm, không đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay” – vị này khẳng định.

Tiêm vaccine cho trẻ có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình

>

Liên quan đến lộ trình và tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc tiêm vaccine cho trẻ em sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và theo lộ trình. Theo đó, lứa tuổi 16-17 và khu vực nguy cơ cao sẽ được ưu tiên tiêm trước.

Vaccine được cấp phép tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi là vaccine Moderna và Pfizer. “Bộ Y tế đang đề nghị các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch tiêm vaccine trong năm 2021 và năm 2022, đồng thời thống kê số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi để Bộ Y tế tổng hợp, có kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine và báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia phân bổ vaccine hợp lý, căn cứ trên tình hình dịch bệnh của mỗi địa phương” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Thống nhất sử dụng PC-COVID từ 1-11

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, các địa phương phải xây dựng và ban hành quy định phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương theo Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800. Đối với người trở về từ vùng có dịch, ngoài xét nghiệm theo hướng dẫn vẫn cần được theo dõi sức khỏe và sàng lọc, tránh lây nhiễm dịch ra ngoài cộng đồng.

Một vấn đề khác cũng được hội nghị quan tâm là việc thống nhất sử dụng ứng dụng thống nhất để quét mã QR trong bối cảnh quá nhiều ứng dụng khác nhau như Sổ sức khỏe điện tử, VN-eID hay của từng địa phương như HCDC App, Y tế HCM.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa Bộ TT&TT, cho biết Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia thuộc Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an để hoàn thiện ứng dụng PC-COVID. Đến ngày 1-11, ứng dụng này sẽ chính thức được sử dụng thống nhất trên cả nước.

Theo đó, PC-COVID sẽ được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực với bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do BHXH Việt Nam quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm COVID-19.

Vào chiều tối 28-10, Bộ TT&TT thông báo nâng cấp tính năng “khai báo di chuyển nội địa” của ứng dụng PC-COVID theo hướng phù hợp với quy định của Bộ GTVT và phát triển thêm tính năng trích xuất thông tin cho các đơn vị được chỉ định của Bộ GTVT. Dữ liệu sẵn sàng được cung cấp từ ngày 29-10.

Hoàng Lan – Thu Hà – Báo PLO.VN

Theo PLO.VN

Ảnh: Người dùng sử dụng ứng dụng PC-COVID. Ảnh: HOÀNG GIANG5r²

Xem bài viết gốc tại đây:

https://plo.vn/xa-hoi/thong-nhat-su-dung-ung-dung-pccovid-tren-ca-nuoc-1024870.html