Thiếu cát xây dựng trầm trọng, ĐBSCL làm gì để ứng phó?

Thiếu nguồn cát xây dựng đã khiến nhiều công trình bị ngưng trệ, có khả năng không đạt tiến độ đề ra…

Khan hiếm, nhảy múa giá

Những ngày qua, tình trạng khan hiếm cát xây dựng tại ĐBSCL vẫn đang rất nghiêm trọng.

Ghi nhận tại Cần Thơ, các doanh nghiệp cung ứng cát cho biết, giá cát san lấp theo giá bán lẻ được giao đến công trình có giá trên 400.000 đồng/m3. Mặc dù giá cao, nhưng nhiều đơn vị thi công dự án đang phải đau đầu về việc loay hoay tìm nguồn cung.

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết: “Hiện tình hình thiếu cát phục vụ xây dựng trên địa bàn TP đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Theo kế hoạch trung hạn 5 năm, toàn TP cần tới 34 triệu m3 phục vụ xây dựng. Nhưng hiện nay nguồn cát rất khan hiếm. Điều này đã đẩy giá tăng cao, trong khi nhiều công trình không có cát để san lấp”.

Còn tại Vĩnh Long, nhà thầu một số dự án lớn đang thi công và sắp thi công như cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đường Võ Văn Kiệt, cầu Cái Cam 2, Trung tâm Hội nghị tỉnh và khu công nghiệp Đông Bình… đều gặp tình trạng càng làm càng lỗ. Vì giá cát, vật liệu… tăng cao và chênh lệch khá lớn so với giá trị hợp đồng ký kết.

Ông Đ.H.Đ., giám đốc một doanh nghiệp ký hợp đồng san lấp mặt bằng cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cho rằng: “Khi ký hợp đồng san lấp mặt bằng cho công trình đường cao tốc, mức giá đấu thầu cát san lấp là 80.000 đồng/m3. Nhưng trên thực tế, giá mua được gần 300.000 đồng/m3”.

Do trung gian đẩy giá

Là doanh nghiệp chuyên xây lắp các công trình cầu đường tại TP Cần Thơ, ông N.V.Đ. lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng cát san lấp chênh lệch quá cao so với hợp đồng ký kết với chủ đầu tư bắt nguồn từ quá trình xây dựng giá đấu thầu.

Phía tư vấn xây dựng giá đấu thầu bằng giá tại các mỏ cát. Thế nhưng đơn vị thi công thì không có quyền được lấy cát tại các mỏ này mà phải qua trung gian.

“Giá cát trong hợp đồng (tại mỏ) là 50.000 đồng/m3, bao gồm cả chi phí vận chuyển về tận công trình. Nhưng khi cung cấp cho đơn vị thi công thì buộc phải qua một trung gian khác, giá trên dưới 200.000 đồng/m3, trong khi xuất hóa đơn cho chúng tôi họ vẫn ghi 50.000 đồng/m3. Việc này khiến doanh nghiệp thua lỗ”, ông Đ. nói.

Trước tình trạng khan hiếm cát xây dựng, mới đây, tỉnh An Giang đã chấp thuận điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại mỏ cát trên sông Tiền từ 740.000m3 lên 1.110.000m3.

Mặc dù vậy, nguồn cát vừa tăng lượng khai thác nói trên chỉ được cung cấp cho công trình tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên. Còn lại rất nhiều công trình xây dựng hiện hữu và trong tương lai của tỉnh vẫn đang thiếu hụt cát.

Khai thác cát trên sông Hậu, thuộc TP Cần Thơ.

Khai thác cát trên sông Hậu, thuộc TP Cần Thơ.

Gỡ khó cách nào?

Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3 (dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau 18,5 triệu m3, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng 17,8 triệu m3, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu 1,3 triệu m3, dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh 1,4 triệu m3).

Chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới. Trong đó, nhu cầu trong năm 2023 là khoảng 16 triệu m3, năm 2024 khoảng 20 triệu m3. Trong khi đó, tình hình khai thác, cung ứng nguồn cát tại khu vực ĐBSCL cho các dự án giao thông tại khu vực rất hạn chế.

Hiện nguồn cát sông phục vụ công trình xây dựng tại các tỉnh hạ lưu sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ) có tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, với công suất khai thác hàng năm là 5,7 triệu m3.

Trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém (hạt mịn) lẫn nhiều tạp chất (hàm lượng bùn sét lớn hơn quy định), không bảo đảm các tiêu chuẩn của vật liệu cát đắp nền đường.

Một công trình xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ.

Một công trình xây dựng trên địa bàn TP Cần Thơ.

Nguồn cát sông từ các tỉnh thượng lưu sông Tiền và sông Hậu (An Giang và Đồng Tháp) hiện nay khoảng 23,1 triệu m3 với công suất khai thác hàng năm khoảng 7,5 triệu m3, trữ lượng còn lại chỉ khoảng 9,4 triệu m3.

Tổng trữ lượng các mỏ cát theo quy hoạch khoảng 88,11 triệu m3 (trong đó An Giang khoảng 54,54 triệu m3, Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3).

Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển mở rộng các nguồn cát thay thế (cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng, cát nước lợ, cát biển…) theo nội dung chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Từ đó từng bước thay thế, giảm áp lực cho việc khai thác cát sông tự nhiên như hiện nay bởi trữ lượng cát còn không nhiều, không thể đảm bảo cung cấp lâu dài”, văn bản nêu.

Đặc biệt, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng về việc hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền đường phục vụ cho các dự án xây dựng đường cao tốc trong khu vực ĐBSCL.

Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành: đối với một số khu vực mỏ cát sông có trong quy hoạch nhưng chưa khai thác và các vị trí có tiềm năng chưa có trong quy hoạch, các địa phương hỗ trợ, cho phép tư vấn được khoan khảo sát thăm dò, lấy mẫu để đánh giá chất lượng, trữ lượng và khả năng khai thác.

Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương liên quan cho phép các đơn vị khai thác khoảng 5.000m3 cát biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm và phục vụ nghiên cứu. Đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời chỉ đạo Sở TN&MT, các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cần thiết để thực hiện…

Trần Lưu – Báo Giao Thông

Theo Giao Thông

Ảnh: Nhiều công trình xây dựng đang thiếu nguồn cát nghiêm trọng.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://www.baogiaothong.vn/thieu-cat-xay-dung-tram-trong-dbscl-lam-gi-de-ung-pho-d570576.html