Thiên tai sẽ diễn biến khốc liệt hơn trong 6 tháng cuối năm

Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, công tác phòng chống thiên tai còn nhiều thách thức, vì vừa phải đảm bảo an toàn thiên tai, vừa phải đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.

Mới đây, Tổng cục Phòng chống thiên tai – Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước với 2 cơn bão trên biển Đông, trong đó cơn bão số 2 (11-13/6) đổ bộ vào các tỉnh khu vực từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An; 59 trận động đất nhẹ, 137 trận mưa đá, dông lốc; 5 đợt không khí lạnh, trong đó rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7-13/1/2021; 14 trận mưa lớn, lũ cục bộ; 2 trận lũ quét và 60 điểm sạt lở bờ sông.

Thiên tai đã làm 25 người chết, 31 người bị thương, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 132 tỉ đồng.

Nhận định về diễn biến thiên tai năm nay, ông Trần Quang Hoài – Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai cho rằng, mùa mưa bão năm nay sẽ tương đương, nhưng mưa lũ có thể phức tạp hơn năm 2020. Lũ trên các hệ thống sông chính sẽ ở mức báo động từ 2 đến báo động 3. Lũ quét sạt lở đất, ngập lụt sẽ đến sớm hơn so với những năm trước đây.

Về công tác ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương triển khai nhanh chóng, hiệu quả các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Thường xuyên theo dõi, cập nhật về dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai trong nước và khu vực để tham mưu kịp thời lãnh đạo Bộ, Ban chỉ đạo, bảo đảm chủ động ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Bên cạnh đó, hướng dẫn địa phương báo cáo việc thực hiện các quy định về tình huống khẩn cấp cần phân lũ, chậm lũ, các biện pháp di dân, trợ cấp, bảo đảm an toàn nhân dân; việc thực hiện công tác phòng chống sạt lở ven sông, ven biển, kè biên giới và các công trình Phòng chống thiên tai khác.

Dự báo trong những tháng cuối năm, tình hình thiên tai sẽ diễn biến khốc liệt hơn so với nửa đầu năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng Cục Phòng chống thiên tai cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong cuộc chiến với thiên tai từ nay đến cuối năm.

Thách thức trong công tác phòng chống

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, từ một năm thiên tai khốc liệt, dị thường, những vấn đề trong chỉ đạo điều hành của công tác phòng chống thiên tai đã được nhận diện. Qua đó, Thứ trưởng nêu rõ 5 vấn đề cần được nghiên cứu để chỉ đạo, đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai năm 2021.

Thứ nhất là việc đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng chống thiên tai và lực lượng cứu hộ cứu nạn. Sự mất mát của lực lượng phòng chống thiên tai trong năm 2020 là quá lớn, đặc biệt là lực lượng vũ trang. Tổng cục Phòng chống thiên tai với vai trò là đơn vị Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương cần có những yêu cầu, hướng dẫn, chỉ đạo làm sao để không phải đi cứu hộ lực lượng cứu hộ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, trong năm 2020, số lượng người thương vong do thiên tai trên bờ quá nhiều. Trong số 4 vụ sạt lở đất thì đã có 3 vụ được đưa vào diện cảnh báo đặc biệt nghiêm trọng. Thứ trưởng cho rằng cần rút kinh nghiệm trong năm nay, phải chỉ đạo quyết liệt hơn, cần thiết sẽ gắn trách nhiệm trong công tác phòng chống thiên tai cho lãnh đạo địa phương.

Thứ ba là công tác thông tin tuyên truyền đến người dân. “Nếu chỉ dự báo chung chung, truyền tải thông tin chung chung lũ cấp độ nào thì người dân sẽ không biết được nước dâng đến đâu. Chúng ta phải dự báo chi tiết hơn đúng ngày đó, giờ đó, tại địa điểm đó nước sẽ lên bằng đó. Thông tin ấy cần phải được truyền tải tới người dân để người dân chủ động ứng phó”.

Thứ tư, việc triển khai di dân tránh bão lũ trong thời điểm Covid-19. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định từ nay đến tháng 10, thời điểm cao điểm bão lũ, tình hình dịch Covid-19 sẽ không thuyên giảm.

“Chúng ta cần có những chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu các địa phương báo cáo chi tiết những kịch bản, phương án di dân khác nhau. Tiếp đến là phải đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch trong quá trình triển khai di dân. Trong năm nay chúng ta phải dự báo thật chính xác tình hình thiên tai và có kịch bản chi tiết hơn, di dân hợp lý hơn trong bối cảnh Covid-19”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Thứ năm, cần quan tâm hơn đến các công trình, đặc biệt là các công trường thi công trong mưa bão. Theo Thứ trưởng, sự cố ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3 là một kinh nghiệm rất đau xót, từ đó các địa phương phải rà soát kĩ lưỡng những công trình đang thi công ở khu vực có nguy cơ sạt lở và thực hiện di tản 100%.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, công tác phòng chống thiên tai còn nhiều thách thức, cần xây dựng kịch bản chi tiết tại các địa phương trước các tình huống thiên tai, đặc biệt vấn đề di dời người dân, có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch, rà soát kỹ các công trình đặc biệt các công trường đang thi công trong mùa mưa bão. Trong thời gian tới, Tổng cục cần tập trung triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; các chương trình đầu tư công; đảm bảo an toàn cho các công trình phòng chống thiên tai trong đó có công trình đê điều, hồ đập; cần lưu ý công tác cứu trợ sau thiên tai.

Thùy Linh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020 nhưng lại diễn ra bất thường hơn. (Ảnh: Nguồn internet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/thien-tai-se-dien-bien-khoc-liet-hon-trong-6-thang-cuoi-nam-56955.html