Thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với 6 tháng đầu năm, nguồn cung đã từng bước cải thiện, một số dự án bất động sản sau thời gian tạm dừng đã khởi động trở lại. Về cơ bản, thị trường đã vượt qua khó khăn nhất và đang có tiền đề để vươn lên…
Đây là nhận định của ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 12/1.
“Trong những tháng cuối năm, các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã đạt được hiệu quả nhất định; Nhiều kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp về tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các dự án bất động sản đã được xử lý. Cùng với lãi suất ngân hàng cho vay mua bất động sản đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm, thị trường bất động sản bắt đầu có chuyển biến tích cực. Lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư… có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều, chứng tỏ thị trường bất động sản đang từng bước được hồi phục”, ông Hải chia sẻ.
GIÁ NHÀ VẪN NEO CAO
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ tổng lượng giao dịch (căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền) 6 tháng cuối năm đã tăng 13% so với 6 tháng đầu năm 2023. Qua đó, giúp giảm lượng tồn kho bất động sản nhà ở chung cư, nhà ở riêng lẻ và phân khúc đất nền trong các dự án.
Cụ thể, theo số liệu tổng hợp từ 53/63 địa phương, lượng tồn kho bất động sản tại các dự án trong quý 4/2023 vào khoảng 16.315 căn. Trong đó, chung cư tồn kho 2.826 căn; nhà ở riêng lẻ 5.173 căn; đất nền 8.316 nền. Như vậy, so với quý 3/2023, lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà chung cư trong quý 4 bằng khoảng 88,42%; lượng tồn kho thuộc phân khúc đất nền bằng khoảng 115,66% và lượng tồn kho thuộc phân khúc nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 78,93%.
Cũng theo số liệu tổng hợp báo cáo của các địa phương và thông tin khảo sát đánh giá của các tổ chức nghiên cứu thị trường thì giá căn hộ chung cư tiếp tục xu hướng tăng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực trung tâm. Trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Tại Hà Nội, mức độ tăng giá bình quân của phân khúc căn hộ thuộc quận Thanh Xuân tăng khoảng 3,5%; quận Hà Đông tăng khoảng 3,7%; quận Hoàng Mai tăng khoảng 3,8%; quận Nam Từ Liêm tăng khoảng 4,1% …
Tại TP. Hồ Chí Minh, một số dự án có mức độ tăng giá bình quân như: The Estella (quận 2) tăng khoảng 4,1%, The Opera Residence (quận 2) tăng khoảng 3,9%, Mỹ Khánh 3 (quận 7) tăng khoảng 3,6%, The Art (quận 9) tăng khoảng 3,8%. Nhưng đồng thời, cũng có một số dự án có mức độ giảm giá bình quân như: The Grand Manhattan (quận 1) giảm khoảng 4,4%; dự án Belleza Apartment (quận 7) giảm khoảng 4,1%; dự án Sunrise City View (quận 7) giảm khoảng 4,6%….
Trong khi đó, giá bán phân khúc biệt thự, liền kề tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng vẫn neo cao, mặc dù lượng giao dịch thấp. Tại Hà Nội, một số dự án như: Mailand Hanoi City, Ciputra, Tây Hồ Tây – Starlake có giá từ 160 triệu đến trên 300 triệu/m². Tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán biệt thự, nhà liền kề tại một số khu vực có mức giá trong khoảng từ 140 triệu đến trên 400 triệu đồng/m2 như ở các dự án: Mỹ Phú 2, Vinhomes Central Park, Saigon Mystery Villas.
KIÊN QUYẾT XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP GÂY KHÓ KHĂN, PHIỀN HÀ
Việc giá nhà neo cao cộng với tình trạng thiếu hụt phân khúc nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận cư dân đã làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của nhiều người dân đô thị.
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp luật về đất đai, về thủ tục giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất…tại nhiều dự án, trên nhiều địa phương.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tín dụng đã được điều chỉnh giảm nhiều lần trong năm; Ngân hàng nhà nước đã tích cực chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung thực hiện cho vay, giải ngân đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo xây dựng chung cư cũ. Song, theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Việc rà soát tháo gỡ và thực hiện thủ tục để triển khai các dự án của các địa phương cũng còn chậm, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản.
Để đảm bảo thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới, theo Bộ Xây dựng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và cần sự “vào cuộc” quyết liệt hơn nữa của các cấp, các bộ, ngành, các địa phương…
Riêng về phía Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ cho biết sẽ tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nhất là quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với các Luật, tránh khoảng trống pháp lý; Đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030″; Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục quy hoạch đất các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.
Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng, gây chậm trễ cho người dân và doanh nghiệp…
Phan Dương/VnEconomy
Theo VnEconomy
Ảnh: Ảnh minh họa
Xem bài viết gốc tại đây:
https://vneconomy.vn/thi-truong-bat-dong-san-da-vuot-qua-kho-khan-nhat.htm