Năm 2022, tỉnh Quảng Trị được phân bổ vốn đầu tư công hơn 4.124 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm, tổng giá trị giải ngân chưa tới một nửa, nhiều công trình trọng điểm bị cắt vốn do thi công theo kiểu ‘rùa bò’.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường xuyên Á, đoạn 13,8km nối quốc lộ 1 qua ngã tư Sòng (xã Thanh An, huyện Cam Lộ) đến cảng Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) có mức đầu tư hơn 440 tỉ đồng (nguồn vốn vay ngân hàng thế giới). Sau một năm thi công, khối lượng công việc đạt được chỉ khoảng… 15%. Cụ thể, ngoài xây xong phần móng một cây cầu bắc qua con sông nhỏ Bến Lội (xóm Đồng Hoang, phường Đông Giang, TP Đông Hà), các đơn vị thi công chỉ mới đào múc, san lấp, đổ đất mặt bằng khoảng 10 điểm, với mỗi điểm vài chục mét chiều dài, 3 – 5m chiều rộng.
Tình trạng này khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc. Anh Trương Khắc Trà, trú xã Gio Mai ngao ngán, ví von: “Xây dựng công trình hàng trăm tỉ đồng mà chẳng khác nào người nông dân hàng chục năm trước đi tìm đất để khai hoang. Dọc tuyến gần 14km này hễ tìm ra chỗ nào không vướng đền bù là họ đào bới, san lấp thành những đám nhỏ hay đơn giản là đổ xuống đó vài chục xe đất, cũng chẳng để làm gì vì thời gian sau là mưa lũ cuốn trôi đi hết”.
Theo một người dân địa phương, tuyến đường này đi qua xã Thanh An, huyện Cam Lộ; phường Đông Giang, TP Đông Hà và các xã Gio Quang, Gio Mai, Gio Việt, Cửa Việt, huyện Gio Linh. “Đoạn đi qua Gio Quang và Gio Mai có nhiều nhà cửa, mồ mả cần giải phóng đền bù nhưng thời gian qua chính quyền và cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết xong khiến các đơn vị thi công chỉ có thể đào bới, san đổ mặt bằng chỉ vài điểm”, người dân cho biết.
Qua trao đổi, ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết, đường Xuyên Á, còn gọi quốc lộ 9 hay hành lang kinh tế Đông-Tây, là tuyến giao thông huyết mạch nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Trong đó, Quảng Trị là điểm đầu về phía Việt Nam. Vì thế, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này đoạn gần 14km nối quốc lộ 1 về cảng nước sâu Cửa Việt là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc khách quan và chủ quan khiến công trình bị dừng lại. “Hiện tại chúng tôi đang xem xét phương án thay đổi nguồn vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án”, ông Hùng nói.
Tương tự, dự án tu bổ kè bờ hồ di tích Thành cổ Quảng Trị cũng vừa bị cắt vốn do thi công chậm tiến độ. Bờ kè này có tổng chiều dài 4.432m. Trước đó, đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 đã khiến bờ kè xuống cấp, hư hỏng nặng tại nhiều điểm. Năm 2021, Trung ương bố trí 25 tỷ đồng để tu bổ với tổng chiều dài trên 3km. Tuy nhiên, do thi công chậm chạp, mới chỉ giải ngân hơn 12,7 tỷ đồng, số còn lại đã bị thu hồi dẫn đến công trình dở dang, không có người thi công, rác thải, sắt thép vật liệu phơi nắng, mưa, hoen gỉ.
Năm 2022, Báo CAND từng có bài viết phản ánh tình trạng thi công các công trình đầu tư công chậm tiến độ ở Quảng Trị. Đơn cử, năm 2021, Trung ương hỗ trợ Quảng Trị nhiều tỉ đồng khắc phục hậu quả bão lụt năm 2020, trong đó hơn 13 tỉ đồng được UBND tỉnh này giao Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư để thực hiện 7 gói thầu về sửa chữa, nâng cấp một số hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn. Nhưng sau thời hạn giải ngân vốn theo qui định vẫn còn hơn một nửa số công trình này chưa được thi công hoàn thành, thậm chí có công trình chỉ mới thi công được khoảng 20% khối lượng…
Ngoài các công trình đầu tư công bị cắt vốn do thi công chậm, thời gian qua ở Quảng Trị còn có nhiều công trình trọng điểm khác sau rất nhiều năm nhưng không được thi công hoàn thành. Trong đó phải kể đến hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Quán Ngang (vốn gần 100 tỉ đồng), hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh (nguồn vốn 180 tỉ đồng).
Thanh Bình – Báo CAND
Theo Công An Nhân Dân
Ảnh: Đường Xuyên Á đang trong tình trạng thi công dang dở.
Xem bài viết gốc tại đây: