Thế giới sắp khép lại thập kỷ nóng nhất lịch sử

Mặc dù La Nina đang diễn ra nhưng năm 2020 là một năm nắng nóng và tác động đến các hình thái thời tiết ở nhiều nơi trên thế giới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, mặc dù La Nina – hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường – đang diễn ra nhưng năm 2020 là một năm nắng nóng và tác động đến các hình thái thời tiết ở nhiều nơi trên thế giới. Theo dự báo, La Nina ​​sẽ đạt cường độ cao nhất trong tháng này và tiếp tục kéo dài đến đầu năm sau.

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết: “Những năm nóng kỷ lục thường trùng với thời điểm El Nino mạnh, như hiện tượng năm 2016. Mặc dù La Nina đang diễn ra – giúp làm giảm nhiệt độ toàn cầu, nhưng vẫn chưa đủ để giảm sức nóng của năm nay. Năm 2020 đã trải qua mức nhiệt gần kỷ lục so với năm 2016 trước đó”.

WMO cũng ghi nhận 6 năm qua là những năm nóng nhất trong lịch sử. Vào tháng 1/2021, WMO sẽ công bố số liệu tổng hợp về nhiệt độ của năm 2020, dựa trên 5 bộ dữ liệu nhiệt độ toàn cầu. Công bố này sẽ được đưa vào báo cáo cuối cùng về Tình trạng khí hậu năm 2020, được ban hành vào tháng 3/2021 và bao gồm thông tin về các tác động khí hậu.

Cho đến nay, tất cả 5 bộ dữ liệu cho 10 tháng đầu năm 2020 đã cho thấy năm nay là năm nóng thứ hai trong lịch sử, xếp sau năm 2016 và trước năm 2019.

Dựa trên các báo cáo hàng tháng của Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, Trung tâm Hàng không vũ trụ Goddard của NASA và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, tháng 11 được xếp vào tháng nóng nhất hoặc nóng thứ hai trong kỷ lục.

Theo VMO, ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu nhanh chóng này diễn ra trên khắp thế giới trong suốt cả năm 2020, gây ra thực trạng nhiệt độ khắc nghiệt, cháy rừng, lũ lụt và mùa mưa bão chưa từng thấy trên Đại Tây Dương. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas đã nhận định, năm 2020 là “một năm đặc biệt khác biệt đối với khí hậu của chúng ta”.

Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Australia đã phải hứng chịu mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khủng hoảng khí hậu đã khiến khả năng xảy ra các đám cháy cao hơn ít nhất 30%. Theo Quốc hội Australia, ít nhất 33 người và khoảng 1 tỉ động vật đã chết trong đám cháy. Hàng trăm người khác thiệt mạng do hít phải khói cháy rừng.

Vụ cháy rừng kinh hoàng ở miền Tây nước Mỹ khiến ít nhất 43 người thiệt mạng vào mùa thu năm nay. Vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới Pantanal ở Nam Mỹ bị cháy trong nhiều tháng.

Theo các nhà khoa học, năm nay, bão, lốc xoáy… trên toàn thế giới đang trở nên mạnh hơn và có khả năng gây chết người nhiều hơn khi Trái Đất nóng lên do khủng hoảng khí hậu.

Ít nhất 100 người đã thiệt mạng vào tháng 11/2020 khi cơn bão nhiệt đới Eta đổ bộ vào Trung Mỹ. Bão Iota càn quét qua Nicaragua khoảng 3 tuần sau đó, được coi là cơn bão mạnh nhất năm 2020 ở Đại Tây Dương và mạnh nhất từng đổ bộ vào nước này. Ở Mỹ, cơn bão Laura đã khiến ít nhất 27 người chết trong tháng 8. Tại Philippines, hàng chục người đã chết khi 2 cơn bão liền nhau đổ bộ trong vòng 10 ngày vào tháng 11.

Bên cạnh đó, nhiệt độ ở các đại dương trên toàn cầu cũng tiếp tục ấm lên. Bao phủ gần 3/4 bề mặt Trái Đất, các đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt lượng của thế giới. Theo báo cáo của WMO, hơn 80% đại dương toàn cầu đã trải qua một đợt nắng nóng trên biển vào một thời điểm nào đó trong năm 2020.

Nhiệt độ Trái Đất đã tăng lên ít nhất là 1,1 độ C so với thời điểm cuối thế kỷ 19, thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó năm 2015, Thỏa thuận Paris đã kêu gọi các nước cùng nỗ lực và hành động tập thể để kiềm chế tốc độ tăng này xuống dưới 2 độ C, lý tưởng hơn là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21.

Ngược lại với kỳ vọng, 5 năm sau khi hiệp định được ký kết, giới khoa học vẫn phải cảnh báo nhiều hơn về tính cấp bách của vấn đề trong khi ngày càng nhiều cuộc biểu tình do hàng triệu người trẻ tuổi tổ chức để kêu gọi hành động quyết liệt vì tương lai khí hậu.

Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá bất chấp những dữ liệu thực tiễn và quan điểm ngày càng gay gắt từ cộng đồng, các chính phủ dường như vẫn khá dè dặt trong các chính sách về khí hậu.

tm-img-alt
Trong thập niên này, mỗi năm thế giới cần giảm được 7,6% khí thải. (Ảnh: Internet)

Theo Liên hợp quốc, để đạt mục tiêu giữ mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C, trong thập niên này, mỗi năm thế giới cần giảm được 7,6% khí thải. Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 “vô tình” giúp thế giới đạt chỉ tiêu giảm khoảng 7% khí phát thải trong năm 2020 so với năm 2019.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc lo ngại việc các quốc gia tăng chi tiêu cho những lĩnh vực phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy phục hồi sẽ khiến xu hướng này bị đảo ngược, thậm chí xấu đi và giới chuyên gia lo ngại khí thải tăng trở lại trong những năm tới là điều khó tránh.

Để thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris, cần những thay đổi lớn hơn trong mọi lĩnh vực từ lối sống, cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và công nghệ.

Rõ ràng, thế giới cần hành động khẩn cấp, kết hợp công nghệ mới (sạch và tái tạo), sử dụng năng lượng hiệu quả và thay đổi cơ bản về mặt xã hội. Bên cạnh đó, nguyên tắc cần ghi nhớ là một chính sách đơn độc không thể giúp giải bài toán biến đổi khí hậu, mà thế giới cần một hệ thống hoặc một bộ chính sách nhất quán.

Hà Linh – Tạp chí KTMT

Theo Kinh tế Môi trường

Ảnh: Năm 2020 là một trong ba năm nắng nóng nhất lịch sử. (Ảnh: Internet)

Xem bài viết gốc tại đây:

https://kinhtemoitruong.vn/the-gioi-sap-khep-lai-thap-ky-nong-nhat-lich-su-52120.html