Tháp Chăm 1.000 tuổi ở Bình Định bị xâm hại

Trong lúc tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít (Bình Định), các đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới đến cày xới, đào múc, xâm hại vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích quốc gia.

Cụm di tích tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) được xây dựng vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Đây là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao; được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1982.

Cụm tháp Chăm nghìn năm tuổi này được đưa vào tập sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh. Hàng năm, tháp Bánh Ít thu hút hàng nghìn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, du lịch.

Trước tình hình cụm tháp xuống cấp, tháng 9/2021, UBND tỉnh Bình Định chủ trương tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít. Công trình do Sở Văn hóa và thể thao tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, với tổng vốn 25,6 tỷ đồng. Ngày 27/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận dự án tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít. Tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công cho đến nay.

Liên tục nhiều ngày qua, người dân Bình Định bức xúc phản ánh các đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới đến đào xới, có dấu hiệu xâm hại nghiêm trọng di tích tháp.

Nhiều ụ cát, đá ngổn ngang trong vùng lõi của Cụm di tích tháp. Trước tình hình này, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao (chủ đầu tư) tạm dừng thi công tu bổ, tôn tạo liên quan cụm tháp Bánh Ít.

Phương tiện cơ giới đào múc, tập kết đá trong vực di tích quốc gia. Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các nhà thầu không thi công bằng phương tiện cơ giới ở khu vực các tháp thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vòng một) của di tích; tuyệt đối không san gạt, đào bới làm ảnh hưởng đến các tháp Chăm.

Đá xây dựng bị cào bóc gần sát bên di tích Cụm tháp. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, cựu Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho hay việc đưa máy móc, thiết bị cơ giới vào thi công, đào bới, tác động đến khu vực xung quanh tháp Bánh Ít như thời gian gần đây là xâm hại, phá vỡ cảnh quan di tích rất nghiêm trọng.

Các đơn vị thi công đào xới, tập kết vật liệu ngổn ngang xung quanh tháp… làm biến dạng khu vực di tích. “Tôi nghĩ cần giữ nguyên trạng cụm tháp Bánh Ít, không nên tôn tạo, tu bổ gì hết và càng không được bê tông hóa khu vực này. Nếu có tác động thì phải cẩn thận, tất cả đều làm thủ công”, ông Hòa nói.

Các nhà thầu đào hố móng, đổ bê tông xây dựng công trình bên trong khu di tích. Hàng chục năm nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh cho rằng việc bảo vệ và tu bổ các đền tháp Chăm cổ ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Giá trị nhất của các tháp Chăm cổ là các khối kiến trúc xây bằng gạch huyền bí. Nếu làm hỏng hoặc mất đi những khối gạch thì giá trị quý hiếm của những tháp Chăm sẽ không còn.

Đến sáng 11/3, hàng chục công nhân vẫn còn đào xới, đổ bê tông trong khu vực Cụm di tích tháp Bánh Ít.

Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đã gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ cụm di tích Tháp Bánh Ít. Căn cứ nội dung dự án được thẩm định, thỏa thuận, Sở Văn hóa và Thể thao rà soát các biện pháp thi công, đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường – sinh thái của di tích.

Hiện ở miền Trung, Tây Nguyên còn 21 di tích đền tháp Chăm, đều được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trong đó nhiều nhất là Bình Định (7 cụm đền tháp) và Quảng Nam (5 đền tháp, trong đó có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn).

Ông Doanh cho rằng cách tốt nhất để bảo tồn tháp Chăm nghìn năm tuổi là bảo tồn nguyên trạng các di tích gốc. Trong trường hợp cần thiết phải gia cố hay chống đỡ cho tháp khỏi bị xâm hại hay bị đổ vỡ, nên sử dụng các vật liệu, chất liệu và phương pháp cho phù hợp với thực trạng của từng di tích.

Minh Hoàng – Tạp chí Zing News

Theo Zing News

Xem bài viết gốc tại đây:

https://zingnews.vn/thap-cham-1000-tuoi-o-binh-dinh-bi-xam-hai-post1301692.html