Tháo ‘nút thắt’ cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã tổ chức hội nghị tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Hội nghị diễn ra ngày 20.4 tại thành phố Bến Tre, với sự tham dự của đại diện các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền của một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nút thắt” cần tháo gỡ

Đại diện cho các đơn vị trong liên doanh đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Mai Mạnh Hồng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận – cho biết: “Trong tổng số 51 km đường cần thực hiện của dự án, thì có tới 40km đất nền yếu. Mặt khác, mùa mưa đang tới, sẽ là trở ngại cho quá trình thi công, trong khi thời gian đưa ra rất gấp gáp, chỉ 18 tháng”.

Trong lúc đó, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận – nói: “Dù Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo, thể hiện quyết tâm phải đầu tư bằng được cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tạo động lực phát triển cho 14 tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, còn những “nút thắt” phải tháo gỡ ngay tức thì, dự án mới kịp tiến độ”.

Hình ảnh cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang dần thành hình. Ảnh: K.C

Theo ông Hoàng, mức lãi suất vốn vay quy định trong hợp đồng dự án thấp, hợp đồng tín dụng đã ký, nhưng không thể giải ngân được. Các điều kiện giải ngân tại dự án rất khó đáp ứng, vì xuất phát từ quan điểm “tín chấp”.

Trước mắt, trong số vốn 2.180 tỉ đồng mà Chính phủ ghi vốn hỗ trợ cho dự án, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được giải ngân, vì liên quan đến các thủ tục về thẩm quyền cơ quan nhà nước vừa được Bộ GTVT chuyển giao cho UBND tỉnh Tiền Giang, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Mai Mạnh Hồng – Tổng GĐ Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: C.H

Lúng túng về thẩm quyền, vì chưa có tiền lệ

Thế nhưng, phía UBND tỉnh Tiền Giang tiếp nhận thẩm quyền cơ quan nhà nước lại… chậm. Do đó, nhiều phụ lục cần ký lại, thủ tục phê duyệt, tạo cơ sở cho việc giải ngân cho dự án bị ảnh hưởng.

Ngay như kiến nghị tỉnh Tiền Giang ứng vốn trước trong lúc tiền hỗ trợ từ Chính phủ chưa hoàn tất thủ tục giải ngân, để dự án kịp tiến độ… Nhưng việc này cũng không thể, vì địa phương viện lý do thiếu vốn.

Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thừa nhận, việc tỉnh Tiền Giang lần đầu tiên tiếp nhận thẩm quyền cơ quan nhà nước, tại một dự án BOT lớn như dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đối với tỉnh là chưa có tiền lệ. Vì vậy, tỉnh lúng túng, vừa tiếp nhận, vừa học hỏi để dần vào cuộc.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đang đi khảo sát dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: C.T.V

Ông Tuấn khẳng định trong những ngày tới, tỉnh sẽ thành lập tổ chuyên môn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng đi thực địa, cùng khảo sát .v.v… Trong tổng số 51 km, tỉnh đã giải phóng mặt bằng 98%, còn 590m chưa giải phóng, bồi thường xong; UBND tỉnh Tiền Giang sẽ quyết tâm thực hiện xong và giao đủ mặt bằng cho dự án.

Cao Hùng – Báo Lao Động

Theo Lao Động

Ảnh: Tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, giữa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. Ảnh: C.T.V

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodong.vn/kinh-te/thao-nut-that-cho-du-an-cao-toc-trung-luong-my-thuan-729071.ldo