Là tỉnh có diện tích rừng lớn, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
Trên địa bàn Huyện Quan Hóa hiện có trên 84.402 ha rừng, trong đó có 1.158 ha rừng có nguy cơ cháy cao, tập trung ở các xã Phú Sơn, Phú Xuân, Thành Sơn, Trung Sơn, Trung Thành, Hiền Kiệt, Nam Động, Nam Tiến, Thiên Phủ. Để nâng cao hiệu quả công tác BVR, PCCCR, đến nay, Hạt Kiểm lâm Quan Hóa đã ứng dụng thiết bị GPS vào các nhiệm vụ chuyên môn ở 15 xã, thị trấn trong huyện, như: Theo dõi an ninh rừng, cập nhật, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, thiết kế trồng rừng. Việc ứng dụng thiết bị GPS trong quản lý các nhiệm vụ chuyên môn góp phần nâng cao công tác BVR, PCCCR trên địa bàn. Nổi bật là những năm qua, diện tích rừng do hạt quản lý không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng luôn ổn định và giữ vững.
Nhằm từng bước ứng dụng KHCN, các phần mềm chuyên dụng hỗ trợ công tác PCCCR, thời gian qua, ngoài ứng dụng phần mềm chuyển bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp từ định dạng TAB của Mapinfo vào GPS để quản lý phát rẫy trong sản xuất nương rẫy ở Mường Lát; “xây dựng, số hóa và chuyển bản đồ khu vực trọng điểm cháy trên địa bàn huyện Như Thanh vào máy GPS”; các mô hình, sáng kiến ứng dụng thiết bị công nghệ GPS phục vụ công tác BV&PTR, diễn biến tài nguyên rừng, PCCCR tại các địa phương trong tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai phần mềm “Phân vùng trọng điểm cháy rừng” và hệ thống camera giám sát lửa rừng. Đến nay, đã lắp đặt 7 trạm khí tượng quan trắc tự động trên địa bàn các huyện có nguy cơ cháy rừng cao, kết hợp ảnh vệ tinh, bản đồ hiện trạng rừng, các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh; lắp đặt 11 camera giám sát lửa rừng có vòng quét 360 độ, tầm quan sát tới 10 km tại các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Nét nổi bật là các camera có độ phân giải cao, khả năng thu nhận hình ảnh 24/24h. Hình ảnh được truyền qua mạng internet đến máy tính, thiết bị di động của cán bộ bộ phận trực chỉ huy chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở. Camera cảnh báo cháy rừng được cài đặt tự động, sử dụng điện năng lượng mặt trời. Các camera thu nhận hình ảnh các khu rừng và truyền dữ liệu về máy chủ qua mạng internet. Bộ công cụ hỗ trợ chuyển đổi tín hiệu từ camera đến các thiết bị di động và máy tính nhằm quan sát, phát hiện sớm lửa rừng.
Dưới sự điều khiển của Chi cục Kiểm lâm tỉnh qua trang web, các cán bộ, kiểm lâm viên, chủ rừng sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh được phân quyền truy cập dữ liệu sẽ quan sát thấy hình ảnh các khu rừng, lửa rừng trên máy. Nếu cháy rừng xảy ra, camera sẽ phát hiện và phân tích gửi tọa độ, kích thước đám cháy, loại rừng bị cháy, tên chủ rừng, đơn vị hành chính, đơn vị quản lý rừng về máy chủ. Ngoài phát hiện nhanh các đám cháy rừng, hệ thống camera gác rừng còn mang lại một tiện ích chưa từng có, đó là việc thay thế hoàn toàn những người gác rừng ngoài thực địa. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thử nghiệm thành công kiểm soát và giám sát BVR, PCCCR bằng thiết bị bay không người lái tại Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR rừng số 2. Ngoài ứng dụng KHCN trong công tác BVR, PCCCR, những năm qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn đẩy mạnh phong trào sáng kiến kỹ thuật trong công tác BVR, PCCCR. Đặc biệt là mô hình “Sáng kiến kỹ thuật cải tạo máy cắt thực bì thành hệ thống chữa cháy rừng cơ động” đã và đang phát huy có hiệu quả và được nhân ra diện rộng.
An Bình (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Áp dụng KHCN để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Ảnh minh họa