Thanh Hóa: Nhà máy giày san lấp trái phép hàng nghìn m2, chính quyền huyện ở đâu ?

Dù chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất, giao đất nhưng Nhà máy giày Thường Xuân đã san lấp trái phép hàng nghìn m2 đất, vậy chính quyền huyện ở đâu?

Đường dây nóng của Báo Công Thương nhận được phản ảnh của người dân xã Xuân Dương về việc: Mặc dù chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho thuê đất, quyết định bàn giao đất theo quy định, thế nhưng chủ đầu tư là Nhà máy giày Thường Xuân, tại xã Xuân Dương đã ngang nhiên cho san lấp trái phép hàng nghìn m2 đất. Điều đáng nói là vụ việc đã diễn ra nhiều tháng nay, nhưng UBND huyện Thường Xuân không hề có văn bản xử lý những sai phạm?

Dự án Nhà máy giày Thường Xuân có địa chỉ tại xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 6/6/2022.

Theo đó, dự án Nhà máy giày Thường Xuân nằm trên diện tích đất khoảng hơn 5ha với nhiều hạng mục, công trình khác nhau. Công suất dự kiến khoảng 2,2 triệu sản phẩm/năm, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ có khoảng 2.000 lao động.

Chủ đầu tư dự án được giao cho Công ty TNHH giày Thường Xuân, vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư 16 tỷ đồng (chiếm 20%); vốn vay ngân hàng thương mại 65 tỷ (chiếm 80%). Ngày 19/8/2022, dự án Nhà máy giày Thường Xuân cũng đã được UBND huyện Thường Xuân phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Mặc dù chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất, quyết định bàn giao đất cũng như đánh giá tác động môi trường, thế nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên tiến hành huy động máy móc, xe cộ tiến hành san lấp cả nghìn m2 mặt bằng, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước việc san lấp trái phép của chủ đầu tư, ngày 16/11/2022, Đoàn kiểm tra của UBND xã Xuân Dương đã tiến hành kiểm tra thực địa và xác định: Hiện trạng khu đất đang thực hiện san lấp, Công ty đang đổ đất san nền, trên hiện trường có 1 máy múc, 1 máy ủi, 2 xe ô tô tải. Đoàn kiểm tra yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay việc san lấp để chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.

Cũng ngay trong ngày 16/11, UBND xã Xuân Dương đã có văn bản số 162/BC-UBND gửi UBND huyện Thường Xuân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân để báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo vì quá thẩm quyền xử lý của xã.

UBND xã Xuân Dương báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Thường Xuân, nhưng Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Lương lại "đá bóng" trách nhiệm cho xã ?

UBND xã Xuân Dương báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Thường Xuân, nhưng Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Lương lại “đá bóng” trách nhiệm cho xã ?

Báo cáo của UBND xã Xuân Dương nêu rõ: “UBND xã đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng và biên bản vi phạm hành chính về việc Công ty chưa hoàn thành thủ tục thuê đất với UBND tỉnh mà đã tiến hành san lấp và yêu cầu phía Công ty tạm dừng việc san lấp chờ hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định. Vậy UBND xã báo cáo UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn có liên quan về việc san lấp mặt bằng của Công ty giày Thường Xuân tại thôn Thống Nhất 3 và xin ý kiến chỉ đạo, để UBND xã thực hiện đúng quy định của pháp luật”.

Bên cạnh đó, báo cáo của UBND xã Xuân Dương cũng xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Thường Xuân là vậy, nhưng ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân lại “đá bóng” trách nhiệm xuống chính quyền xã ?.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: “Huyện đã nắm được sự việc, có lập biên bản và yêu cầu đơn vị dừng thi công cho đến khi được UBND tỉnh có quyết định bàn giao đất”.

Tuy nhiên khi phóng viên đề nghị cung cấp văn bản mà UBND huyện Thường Xuân đã lập và yêu cầu dừng thi công đối với những sai phạm của Nhà máy giày Thường Xuân thì Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Nguyễn Thành Lương lại lý giải: “Cái này huyện giao cho xã sẽ phải dừng các hoạt động liên quan đến san lấp này, huyện không có văn bản”.

Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách, cơ chế nhằm kêu gọi đầu tư. Tỉnh Thanh Hóa cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư, nhằm tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Tuy nhiên, việc Nhà máy giày Thường Xuân ngang nhiên san lấp cả nghìn m2 đất khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định là điều không thể chấp nhận.

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc, làm rõ việc san lấp trái phép tại dự án Nhà máy giày Thường Xuân; làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Thường Xuân trong việc buông lỏng quản lý đất đai (nếu có), tránh để gây bức xúc trong nhân dân.

Hoàng Minh – Báo Công Thương

Theo Công Thương

Ảnh: Dù chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất, bàn giao đất, nhưng Nhà máy giày Thường Xuân đã ngang nhiên san lấp trái phép hàng nghìn m2 đất gây bức xúc trong nhân dân.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://congthuong.vn/thanh-hoa-nha-may-giay-san-lap-trai-phep-hang-nghin-m2-chinh-quyen-huyen-o-dau-250619.html