Trải qua quá trình đấu giá khốc liệt, Liên danh ADI – Đông Sơn đã trúng đấu giá ‘mặt bằng 3241’, tuy nhiên, sau hơn 3 năm dự án vẫn gần như ‘án binh bất động’.
Khốc liệt giành giật “đất vàng”
Ngày 15/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 4222 công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đợt 1, khu dịch vụ thương mại, văn phòng thuộc dự án khu đô thị Đông Hương (phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa) cho đơn vị tham gia, trúng đấu giá khu đất trên là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI – Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (viết tắt là Liên danh ADI – Đông Sơn). Đây được xem là khu “đất vàng” hiếm hoi giữa lòng Tp.Thanh Hóa có diện tích lớn lên tới gần 6ha (được chia thành 375 lô, trong đó 200 lô đất liền kề và 175 lô biệt thự), đã được giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Bởi vậy, dự án được rất nhiều nhà đầu tư và dư luận quan tâm, đồng thời trong quá trình đấu giá diễn ra gay cấn và xuất hiện nhiều tình huống “bất thường”.
Theo đó, dự án khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương (mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND Tp.Thanh Hóa) trước khi thuộc về liên danh ADI- Đông Sơn đã được UBND Tp.Thanh Hóa 2 lần tổ chức đấu giá cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cả 2 lần tổ chức đều thất bại, hủy bỏ đấu giá khi bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì các lý do khác nhau.
Cụ thể, ngày 30/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đợt 1 dự án Khu dịch vụ thương mại văn phòng và dân cư Khu đô thị Đông Hương, với giá khởi điểm là hơn 434 tỷ đồng cho tổng diện tích 5,8ha đất, tương đương bình quân gần 7,5 triệu đồng/m2 đất. Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND Tp.Thanh Hóa giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tổ chức ký kết hợp đồng với Công ty bán đấu giá tài sản Năm Châu thực hiện việc bán đấu giá 375 lô đất trên.
Ngày 22/1/2018, phiên đấu giá được thực hiện và Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam đã trúng thầu với mức giá gần 438 tỷ đồng (chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỷ đồng). Tuy nhiên, quá trình đấu giá đất đã gây nhiều bức xúc trong dư luận về giá đất cũng như cách tổ chức đấu giá, vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xác minh quá trình tổ chức bán đấu giá, qua đó đã phát hiện có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, sau tham mưu của Sở Tư Pháp và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, phía UBND Tp.Thanh Hóa đã hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và kết quả buổi đấu giá trên.
“Mặt bằng 3241” có vị trí rất đẹp tại Tp.Thanh Hóa.
Tiếp tục thực hiện đấu giá khu đất trên, tháng 7/2018, mặt bằng 3241 tiếp tục được tái khởi động và tăng giá khởi điểm lên 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trong quá trình bán hồ sơ, Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên (là đơn vị mới được thuê thực hiện việc bán đấu giá thay cho Công ty bán đấu giá tài sản Năm Châu) liên tục thay đổi thời gian đấu giá, và loại 15/18 hồ sơ đấu giá ngay trước thời điểm đấu giá khoảng vài giờ. Sau đó, các cá nhân, tổ chức bị loại đã kéo tới UBND Tp.Thanh Hóa để yêu cầu lãnh đạo thành phố có câu trả lời thỏa đáng. Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi các bên, phiên đấu giá lần 2 (ngày 9/10/2018) cũng đã không thể diễn ra như kế hoạch và các đơn vị chức năng lại vào cuộc kiểm tra.
Tương tự lần 1, Sở Tư pháp Thanh Hóa tiếp tục phát hiện đơn vị được giao đấu giá là Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên đã vi phạm Luật Đấu giá tài sản và yêu cầu Chủ tịch UBND Tp.Thanh Hóa hủy hợp đồng dịch vụ đấu giá với Công ty Hoàng Nguyên.
Sau nhiều thủ tục, cuối cùng, tới ngày 26/9/2019, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã diễn ra buổi đấu giá quyền sử dụng đất dự án trên, kết quả liên danh ADI – Đông Sơn đã trúng đấu giá với số tiền hơn 1.215 tỷ đồng sau tới 30 vòng đấu. Như vậy, với giá khởi điểm là hơn 666 tỷ đồng, cuộc đấu giá này đã tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước hơn 548 tỷ đồng.
Với sự cạnh tranh quyết liệt cùng những diễn biến khó lường, việc đấu giá khu đất trên cũng được nhiều nhà đầu tư xem là cuộc đấu giá bất động sản tốn nhiều “giấy mực”, “vô tiền khoáng hậu” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ trước tới nay.
Lãng phí “đất vàng”
Những tưởng với sự tranh giành quyết liệt trong cuộc đấu giá, dự án khu đô thị Đông Hương, Tp.Thanh Hóa sẽ được tiến hành nhanh chóng và trở thành điểm nhấn về đô thị hiện đại phía Đông của Tp.Thanh Hóa. Tuy nhiên, rất bất ngờ sau khi về tay liên danh ADI – Đông Sơn, dự án khu đô thị Đông Hương bỗng dưng “chết lâm sàng” cùng nghìn tỷ của nhà đầu tư bị “mắc kẹt”, trong khi đó nguồn lực đất đai bị lãng phí.
Theo ghi nhận thực tế của Người Đưa Tin tại khu đất trên, mặc dù đã được đầu tư sẵn cơ sở hạ tầng, đường điện, nước, nhưng hơn 3 năm qua kể từ thời điểm trúng đấu giá, hiện trạng khu đất vẫn là những bãi đất trống với cỏ dại mọc um tùm, và gần như không ghi nhận hoạt động xây dựng như kỳ vọng.
Với cỏ mọc quá thân người, “Mặt bằng 3241” thành nơi lý tưởng để chăn thả gia súc giữa thành phố Thanh Hóa.
Các mặt bằng dự kiến là những biệt thự, nhà liền kề tại dự án thì hiện trở thành nơi tận dụng chăn thả bò của một số hộ gia đình gần dự án. Đồng thời, do cỏ mọc, không người trông coi nên khu vực này cũng đã xuất hiện những rác thải được một số người dân thiếu ý thức vứt lại. Thậm chí, trong tháng 2 vừa qua, một bộ xương người (nghi tử vong khoảng 3 tháng) được phát hiện bên cạnh gói nghi ma túy và 200 nghìn đồng, được phát hiện trong mặt bằng của dự án.
Liên quan tới việc chậm tiến độ triển khai dự án, theo tìm hiểu, sau khi trúng đấu giá, Liên danh ADI – Đông Sơn dường như gặp khó khăn vấn đề tài chính, khi không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định liên quan kết quả đấu giá dự án. Tính đến cuối năm 2020, đã quá thời hạn nộp tiền nhưng Liên danh ADI – Đông Sơn vẫn chưa thể nộp đủ số tiền 1.215 tỷ đồng trúng đấu giá. Phía UBND tỉnh Thanh Hóa sau đó cũng đã nhiều lần ra “tối hậu thư”, tuy nhiên với nhiều lý do nên phía tỉnh Thanh Hóa cũng không hủy kết quả cuộc đấu giá dự án trên.
Trong chia sẻ với báo chí tại giai đoạn này, ông Hoàng Anh Tuấn, đại diện Liên danh ADI – Đông Sơn cho biết, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ tài chính như đã cam kết.
Tưởng chừng như sự việc đi vào “bế tắc”, thì ngày 7/5/2021, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritimebank – MSB) đã bất ngờ quyết định “giải cứu” Liên danh ADI – Đông Sơn bằng việc ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ 1.000 tỷ đồng cho liên danh. Ngay sau đó, liên danh đã nhanh chóng thực hiện nộp hết toàn bộ số tiền trúng đấu giá là hơn 1.215 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Sau khi khởi công, nhiều máy móc tạm dừng hoạt động, nằm “chỏng chơ” tại dự án.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, dự án tiếp tục “án binh bất động”, và sau nhiều thúc giục, gây sức ép thu hồi dự án liên quan tới việc chậm tiến độ từ phía cơ quan chức năng, tới tháng 10/2022, Công ty CP Đông Sơn Thanh Hóa đại diện cho Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ADI và Công ty CP Đông Sơn Thanh Hóa đã tổ chức khởi công xây dựng nhà phố thương mại khu đô thị trung tâm thuộc Khu đô thị Đông Hương.
Tuy nhiên, như nêu trên, sau khi khởi công “cho có”, tới nay dự án tiếp tục “đắp chiếu”, tại khuôn viên dự án một số máy công trình nằm chỏng chơ, phơi sương gió. Với việc dự án tiếp tục chậm tiến độ khiến nhiều người dân thành phố cảm thất thất vọng, quan trọng hơn, việc khu “đất vàng” chậm đưa vào khai thác gây lãng phí, cũng như khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai của xã hội. Đồng thời, việc này cũng gây mất mỹ quan đô thị, cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của thành phố Thanh Hóa.
Nguyễn Hữu Phương – Tạp chí NĐT
Theo Người Đưa Tin
Xem bài viết gốc tại đây: