Thanh Hóa: Hát Xường giao duyên trở thành Di sản VH phi vật thể quốc gia

Hát Xường giao duyên của người Mường (tỉnh Thanh Hóa) vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia..

Hát Xường giao duyên là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường Ngọc Lặc nói riêng và của đồng bào dân tộc Mường Thanh Hóa nói chung.  Điệu hát này góp phần làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, đời sống tinh thần của người dân trở nên phong phú, nâng cao giá trị nhân văn trong văn học dân gian Mường. Bên cạnh đó, nó còn có giá trị đóng góp vào nền văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam.

Hát Xường giao duyên-  điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia- Ảnh Internet

Hát Xường thể hiện cốt cách và tình cảm của các thế hệ người Mường kết tinh thành giá trị đặc sắc trong vốn di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Thông qua điệu hát Xường, những cung bậc cảm xúc của con người, nhất là tình cảm trai gái được Xường thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc nhất.

Hát Xường có hai loại chính là Xường tự do và Xường lên bậc. Xường tự do là hình thức “độc” diễn phản ánh mọi sắc thái tình cảm của cư dân Mường trong cuộc sống, người hát tự do sáng tác hoặc hát theo lời ca có sẵn được trao truyền trong cộng đồng từ đời này sang đời khác.

Xường bậc là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, có thể thức, cung cách riêng, người hát có tài ứng đáp và giọng hát truyền cảm, có sức lan tỏa và lay động tâm hồn.

Xường có nhiều loại: Xường chúc, Xường kể, nhưng phổ biến nhất vẫn là điệu hát Xường giao duyên.

Nét độc đáo của Xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa. Xường trai gái là các bài ca trao duyên, trao tình giữa trai thanh gái lịch, để bén duyên nhau, nên chồng vợ. Xường trai gái là lời hát cất lên từ trái tim rạo rực thương yêu, không phân biệt địa vị cao thấp trong xã hội hay hát xường vì vật chất.

Hát Xường giao duyên từ lâu đã trở thành bản sắc truyền thống đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của người Mường các xã Cao Ngọc, Thạch Lập, Minh Sơn của huyện Ngọc Lặc và của đồng bào dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2016, cũng ở địa phương này, Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đến nay, cả nước có 288 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 Hiền Vũ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

  Ảnh: Xinh tươi thiếu nữ Mường – Ảnh Internet