Sau khi nước thải từ trang trại lợn chảy xuống, nước tại đập Trà Si đổi màu xanh rêu, đen kịt, nổi váng, cá nuôi, cá tự nhiên bị chết
Anh Hà Văn Hoài, trú ở thôn Ngã Ba, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa tận dụng mặt nước nuôi cá trong một cái lồng tự chế tại đập tràn Trà Si ngay phía trước nhà.
Việc nuôi cá của anh Hoài nhằm mục đích cải thiện cuộc sống cho gia đình và phục vụ nhu cầu cá sạch của người dân địa phương. Nhờ nước hồ sạch, lắm phù du, kết hợp với việc chăm sóc tốt nên cá của anh Hoài lớn nhanh, không bị chết.
Ngày 16/5, anh Hoài và một số người dân địa phương phát hiện, nước thải từ trại lợn của công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp sạch KP Phúc Thịnh ở phía thượng nguồn thông qua hệ thống ống dẫn chôn ngầm gần 1km chảy ra đập Trà Si.
Khi nước thải từ trại lợn chảy ra, nước đập Trà Si chuyển thành màu rêu, đen kịt, nổi nhiều váng trên mặt. Kể từ đó, cá lồng nuôi của anh Hoài và một hộ dân khác cứ lao đầu lên mặt nước rồi chết sạch.
”Ngày 16/5, khi trại lợn xả thải xuống tôi phát hiện nước hồ đổi màu, có nhiều bọt. Ra cho cá ăn cỏ thì cá không chịu ăn. Đến sáng 19/5 tôi ra thăm lồng thì thấy cá đã chết chìm hết, vảy xù lên như người đánh vảy, đỏ hoe…” – Anh Hoài nói
Tiếc của, anh Hoài vớt những con cá bị chết lên chia cho những người dân làng nấu ăn, nhưng họ cũng đành vứt bỏ vì cá có mùi khó chịu.
Cá lồng của anh Hoài nuôi trên đập Trà Si bị chết sau khi trại chăn nuôi lợn xả thải qua đường ống chôn ngầm.
Lúc này, thời tiết đang khô hạn, thiếu nguồn nước, nhưng khi người dân xua trâu bò xuống đập Trà Si uống nước thì chúng lập tức bỏ lên bờ.
Sau cá nuôi lồng, cá tự nhiên sinh sống tại đập Trà Si cũng bắt đầu chết, nổi trên mặt hồ. Đập Trà Si là nơi lâu nay người dân thôn Ngã Ba sử dụng để tắm vào mùa hè, giặt chăn chiếu, rửa tay chân và nông cụ khi đi làm đồng về. Từ lúc cá chết tới nay, không ai dám đặt chân xuống đó.
Anh Hoài chỉ cho PV xem đầu cuối của hệ thống ống nhựa được trang trại lợn sử dụng để xả thải ra môi trường.
Bà Lương Thị Mười, trú tại thôn Ngã Ba, xã Phúc Thịnh cho hay, bình thường, gia đình bà vẫn bơm nước từ đập Trà Si lên bể của gia đình để nuôi lươn. Những sau khi trại lợn xả thải, bơm nước từ hồ vào thì lươn có hiện tượng ngoi lên mặt bể nên bà Mười kịp thời thay nước để tránh thiệt hại.
Chiều 20/5, PV Người Đưa Tin có mặt tại thôn Ngã Ba, xã Phúc Thịnh để xác thực sự việc. Theo quan sát, nước đập Trà Si có màu xanh rêu, đen kịt, xuất hiện nhiều váng trên mặt … Một số loài cá tự nhiên có kích thước nhỏ bị chết, nổi trên mặt hồ và đang trong quá trình phân hủy.
Một góc hệ thống xử lý phân và nước thải của trang trại chăn nuôi lợn thuộc công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp sạch KP Phúc Thịnh tại xã Phúc Thịnh.
Ông Nguyễn Bá Bình – Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh xác nhận việc cá tự nhiên, cá nuôi lồng chết của người dân chết là đúng thực tế. Nhận được thông tin, xã đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản ghi nhận hiện trạng, thống kê thiệt hại của người dân. Có 80kg cá nuôi của hai hộ dân nuôi cá lồng trên đập Trà Si bị chết.
Xã đã yêu cầu công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp sạch KP Phúc Thịnh tạm ngừng việc xả thải, báo cáo lên UBND huyện Ngọc Lặc để lấy mẫu nước đi xét nghiệm, kết luận nguyên nhân.
Nhiều người dân địa phương thất vọng khi đập tràn Trà Si trong xanh ngày nào giờ bị ô nhiễm nặng.
Theo ông Bình, nếu như có kết luận cá chết do trại lợn xả thải thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục thiệt hại cho người dân. Hệ thống xả thải chôn ngầm của trại chăn nuôi lợn đang trong quá trình vận hành thử nghiệm tới ngày 30/6.
Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty KP Phúc Thịnh quy mô 2.400 lợn nái sinh sản, 4.600 lợn con cai sữa/tháng, 5.000kg thủy sản/tháng, được xây dựng tại làng Trạc, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc và đi vào hoạt động từ năm 2021 tới nay.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, ông Bùi Huy Toàn – Chủ tịch UBND huyện Ngọc cho biết: “Tôi sẽ cho kiểm tra ngay”.
Phạm Xuân Chinh – Tạp chí NĐT
Theo Người Đưa Tin
Ảnh: Nước đập Trà Si đổi màu xanh rêu, đen kịt và nổi váng sau khi trại lợn xả thải.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-ca-chet-bat-thuong-khi-nuoc-dap-doi-mau-xanh-reu-a553794.html